Hai người đàn bà giết chồng và chuyên án “con cua cái” (1)

ANTĐ - Cùng ở lứa tuổi “hồi xuân”, cùng có chồng hiền lành, hai người đàn bà cùng âm mưu hại chồng để được tự do yêu đương và cùng dựng hiện trường giả sau khi gây án...

Nhân vật chính của loạt bài này là hai phụ nữ ở Đắk Lắk và Đồng Tháp. Tuy cách nhau hàng trăm cây số nhưng họ lại có nhiều điểm giống nhau: cùng ở lứa tuổi “hồi xuân”, cùng có chồng hiền lành, cùng âm mưu hại chồng để được tự do yêu đương và cùng dựng hiện trường giả sau khi gây án... Công an hai tỉnh Đắk Lắk và Đồng Tháp đã nỗ lực điều tra, phá án. Khi sự thật được làm rõ, nhiều người nhớ đến câu vọng cổ bà con miền Tây hay hát: “Khi con cua đực lột vỏ mềm nhũn thì con cua cái đến xơi tái...”.

DÙNG “HỎA CÔNG” VỚI CHỒNG

Đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 Tết Tân Tỵ (2001), vùng quê hẻo lánh thuộc tỉnh Đồng Tháp chìm trong yên tĩnh. Mọi người đang say giấc nồng sau một ngày Tết vui nhộn với men xuân, men rượu bỗng có tiếng hét hãi hùng vang động cả xóm ấp: “Bớ bà con cháy, cháy, nóng quá!”. Nhiều người giật mình thức giấc. Qua các khe hở, từ trong nhà nhiều người nhìn thấy một quầng sáng đỏ lòm nổ lép bép, rực lên cùng tiếng đàn ông kêu la thảm thiết. Họ chạy về bờ sông Cả Trinh và phát hiện lán trại giữ vườn của gia đình anh Huỳnh đang ngùn ngụt khói. Mọi người đồng loạt tri hô và lao về đám cháy. Ngọn lửa đang bốc cao 6 - 7m đã thấp dần nhưng cũng đủ sáng để bao nhiêu cặp mắt cùng chứng kiến một cảnh tượng thương tâm. Đó chính là ngọn lửa đã làm nên một vụ án tình hiếm có.

Chị Đặng và anh Huỳnh kết thành vợ chồng đã 26 năm. Họ rất đẹp đôi. Anh Huỳnh là cán bộ, có thời kỳ là bí thư xã; còn chị Đặng luôn tràn trề sức sống từ thời con gái cho đến khi ngấp nghé tuổi 50. Năm 1977, họ có một con trai. Khi con được 2 tháng tuổi thì anh Huỳnh mắc bệnh sạn thận phải lên TPHCM chữa trị. Căn bệnh quái ác đó đã làm anh mất dần khả năng đàn ông của mình, còn Đặng thì đang ở cái tuổi hồi xuân, không kiềm chế được lòng mình.

Từ chỗ đẹp đôi, họ trở thành cặp “đồng sàng dị mộng”. Đầu năm 1980, trong một đêm mưa tầm tã, chồng vắng nhà vì công tác, Đặng trùm áo mưa đi như người mộng du ra đường. Trong cơn khủng hoảng, vô thức sâu thẳm đã dẫn Đặng đến một căn chòi giữ vườn mà Đặng thừa biết ở đó có một người đàn ông cũng đang khổ sở vì mưa gió và cô đơn.

Những mối tình ngoài hôn nhân của Đặng dần dần trở thành dư luận chìm nổi quanh cuộc sống của anh Huỳnh. Nhưng anh quá yêu thương Đặng, lại là người có trọng trách với địa phương nên không thể ghen bừa bãi được, anh cố làm cho lắng dịu bằng rượu. Có khi say, Huỳnh về nhà tìm lý do cãi nhau với vợ, đập phá đồ đạc... Không khí gia đình ngày càng thêm nặng nề dù bên ngoài cả vợ lẫn chồng đều muốn đóng vở kịch “hạnh phúc” để ngụy trang với con trai, với hai bên nội ngoại và các quan hệ xã hội.

Đặng nghĩ đến một kế hoạch tự giải thoát đời mình khỏi cuộc sống vợ chồng đã quá vô vị, nhạt nhẽo. Nghe người ta nói đến độc tính trứng cóc, Đặng cố tìm đem về trộn với thức ăn dành cho anh Huỳnh. Thấy anh Huỳnh vẫn tươi tỉnh, khỏe mạnh, Đặng tức lắm, quyết chờ cơ hội thứ hai. Ngày 25-11-1996 nhằm ngày rằm tháng 10 âm lịch, Đặng nấu chè xôi nước cúng rằm. Đặng cầu trời cho anh chồng bất lực của mình mau mau lên bàn thờ. Khấn vái xong, Đặng ăn sạch nồi chè, chẳng cần chừa phần chồng. Trong lúc nhấm nháp vị ngọt của chè, Đặng lóe lên suy nghĩ “mật ngọt chết ruồi”.

Sau một ngày làm việc nặng nhọc, anh Huỳnh ăn ngon lành tô chè do vợ đưa. Khoảng 2 giờ tiếp theo, khi anh đang lâng lâng trong sự chăm sóc, chiều chuộng của vợ thì thuốc chuột trong chè phát huy hiệu quả, ruột gan Huỳnh quặn đau, anh ngã lăn ra đất quằn quại, nôn mửa. Cơn đau đã làm anh Huỳnh kêu la, bà con xóm giềng chạy đến đưa anh đến Trung tâm y tế huyện Châu Thành cấp cứu. Sau đó anh được chuyển lên Bệnh viện Sa Đéc và được cứu sống trong đường tơ kẽ tóc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Nhận định ban đầu Huỳnh bị ngộ độc do có người muốn mưu sát. Đặng được cơ quan Cảnh sát điều tra Đồng Tháp triệu tập. Đặng mồm năm miệng mười chối bai bải.

Mẫu thức ăn trong bụng anh Huỳnh được đưa đi giám định nhưng thời đó vì chưa có mẫu thuốc diệt chuột do Trung Quốc sản xuất nên cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Y tế không giám định được. Đặng được trả tự do vì không có đủ tài liệu, chứng cớ buộc tội. Anh Huỳnh cũng cho rằng mình bị ngộ độc là do ngẫu nhiên nên tiếp tục chung sống với Đặng.

Mồng 3 Tết Tân Tỵ, sáng sớm anh Huỳnh đang ngồi uống trà với con trai thì anh Hải đến thăm. Nói chuyện một lát, Hải rủ: “Hay là mình về nhà tía (cha) tui làm bậy mấy xị cho vui?”. Anh Huỳnh đồng ý rồi tìm Đặng rủ đi cùng, Đặng từ chối, nại rằng người không được sạch, đầu năm không muốn mang xui xẻo đến nhà người khác. Anh Huỳnh cùng anh Hải đến nhà anh Tùng (sui gia với Hải) uống 2 xị rượu rồi cả ba đến chúc Tết cha của Hải. Lại bày tiệc nhậu, năm người uống hết một két bia Bến Thành rồi chia tay, ai về nhà nấy. Lúc đó trời đã xế chiều, sực nhớ mình chưa ghé chúc Tết ông Văn ở cùng ấp nên anh Huỳnh đến nhà. Ông Văn lại chúc anh một ly rượu...

Vợ chồng Huỳnh có một căn nhà chính và một căn trại giữ vườn nhãn. Nhà và trại cách nhau đôi bờ sông rộng khoảng 200 mét. Trong ngày mồng 3 Tết, khi anh Huỳnh du xuân vui vẻ thì Đặng vẫn ở trại giữ vườn. Buổi trưa, Đặng ngủ một giấc ngon lành rồi dậy nấu cơm ăn, sau đó sang hàng xóm sử dụng nhờ nhà vệ sinh. Trên đường quay lại trại, Đặng thấy một nhóm trẻ con ở bờ sông bên kia gọi lớn:

- Bác Đặng ơi, bác Huỳnh bị say rượu đang nằm ở nhà ông Văn!

Nghe vậy, Đặng xuống bờ sông lấy xuồng bơi qua sông đến nhà ông Văn. Thấy vợ đến đón, anh Huỳnh từ trong nhà ông Văn lảo đảo bước ra. Đặng chạy lên đỡ chồng đưa xuống xuồng. Anh Huỳnh bị say rất nặng, ngồi không vững làm chiếc xuồng lắc lư, sém vô nước mấy lần. Khi xuồng cặp bến sông trước căn trại, anh Huỳnh say quá phải bò trên chiếc cầu dẫn vào bờ. Ông Phương nhà ở gần đó thấy vậy trêu chọc anh Huỳnh: “Đi nhậu bằng hai chân, nhậu xong về bằng bốn chân!”. Huỳnh không buồn trả lời, đi thẳng lên trại nằm trên bộ ván gỗ thở khì khì.

Căn trại này được cất theo ý của Đặng nhưng anh Huỳnh biết tính vợ lẳng lơ nên không muốn Đặng biến căn chòi này thành nơi hò hẹn, vì vậy anh thường xuyên sang đây ở giữ vườn nhãn và giữ luôn vợ!

Lúc này Đặng đang đi dưới sông lên, một tay cầm cây dầm bơi xuồng, tay kia là đôi dép của anh Huỳnh. Vào trại, Đặng sửa thế nằm thoải mái cho chồng rồi đi pha một cốc nước chanh, sau đó Đặng kiên nhẫn đút từng muỗng nước cho chồng. Trời đã tối, Đặng kiếm quẹt gas đốt cây đèn dầu nhỏ. Đặng mắc mùng cho chồng. Thấy Huỳnh ngáy pho pho, Đặng yên tâm đi ra ngoài, đến nhà hàng xóm xem ké tivi nhưng chị Hoa - chủ nhà, bảo: “Hết bình ắc-quy rồi”. Đặng trở về trại, vào mùng ngủ chung với chồng. Đến nửa đêm Đặng giật mình thức giấc ra ngoài đi vệ sinh, sau đó bắt đầu thực hiện ý đồ nung nấu bao lâu nay của mình.

Đặng đến một gốc nhãn cách nhà trại 8m, vạch cỏ và lấy một can nhựa loại 5 lít, trong đó có gần 3 lít xăng. Số xăng này Đặng mua ở quán tạp hóa gần nhà từ 10 ngày trước. Đặng xách can xăng tiến về phía trại, vừa đi vừa thong thả mở nắp. Đặng ghé đầu vào mùng nghe ngóng, tiếng ngáy của anh Huỳnh vẫn đều đặn chứng tỏ anh đang chìm vào giấc ngủ sâu. Yên tâm, Đặng tưới xăng lên nóc mùng. Xăng chảy thấm xuống giường chiếu, quần áo anh Huỳnh tỏa mùi nồng nặc nhưng rượu trong cuộc vui ngày xuân đã làm anh say li bì, không biết trời trăng gì nữa. Đổ hết xăng xong, Đặng liệng can xuống dòng sông Cả Trinh, mở họng đèn dầu, nhúng cây nhang cho đẫm dầu rồi bật quẹt đốt.

Đặng ném cây nhang đang cháy lên nóc mùng, ngọn lửa đỏ rực bùng lên trong đêm tối. Đặng chạy nhanh ra lấy cây dầm, hối hả tháo xuồng bơi đi. Đặng bơi xuồng thật nhanh đến nhà cha mẹ ruột ở Thạch Quới, Long Hồ, Vĩnh Long, sau lưng Đặng lửa đã bùng lên cao ngút, sáng rực một góc trời. Nhiều tiếng la ầm ĩ vọng trong đêm vắng...

Đặng vẫn chèo xuồng mải miết, trong đầu nghĩ sẽ kể hết cho bố mẹ nghe chuyện dùng lửa xử chồng mình, sau đó sẽ tự sát. Đặng cột xuồng dưới bến rồi vào nhà. Mẹ không có ở nhà làm Đặng hụt hẫng, cô em gái là Huệ ra đón chị. Dưới ánh đèn, Huệ thấy sắc mặt của Đặng không bình thường nên ái ngại hỏi:

- Đêm hôm khuya khoắt mà chị đi đâu? Lại cãi nhau với anh Huỳnh chứ gì?

Đặng lắc đầu mệt mỏi:

- Không, chị chỉ nhức đầu, mệt mỏi, muốn sang xin em thuốc (Huệ là y sĩ).

- Vậy để em tiêm cho chị một mũi?

- Khỏi cần, cho chị uống thuốc được rồi!

Huệ đưa cho Đặng vài viên thuốc, dặn uống hết nhưng Đặng chỉ uống một nửa, trả lại một nửa rồi vào giường ngủ. Lát sau có tiếng phụ nữ dồn dập gọi cửa. Khách là chị Dung, chị An, hàng xóm của Đặng. Gặp Đặng, hai chị hấp tấp kể: “Bà về ngay, trại nhà bà cháy, anh Huỳnh bị phỏng nặng lắm đã được đưa đi cấp cứu...”.

Ông Tuấn - cha Đặng - nghe vậy thì hối con cháu mau mau về trại xem sự việc thế nào. Đặng xuống xuồng đi trước, ghé lại nhà con trai lục tìm hồ sơ bảo hiểm y tế của anh Huỳnh rồi được người nhà đưa bằng ghe đến Trung tâm y tế Châu Thành, Bệnh viện Sa Đéc để tìm chồng nhưng lúc đó anh Huỳnh đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Đặng đón xe ôm trở về nhà con trai và vài giờ sau anh Huỳnh trút hơi thở cuối cùng thì Đặng bị bắt.

Lúc đầu Đặng cố đóng vở kịch đau khổ, than thở cho hoạn nạn của chồng. Nhưng khi các điều tra viên áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ, đưa ra một số chứng cứ thì Đặng phải nhận tội.

Để rảnh tay tìm tơ duyên mới, Đặng hại chồng bằng cách cho ăn trứng cóc, sau đó pha thuốc chuột vào chè cho chồng ăn. Cả hai lần đó đều thất bại nên Đặng chuẩn bị “hỏa công”. Biết tính chồng mỗi lần say thường về trại nằm ngủ, trại lại cất toàn cây lá dễ cháy, Đặng chỉ chuẩn bị thêm xăng, quẹt là giết được chồng. Cơ hội tới vào chiều mồng 3, trước đó mấy ngày hai vợ chồng có trận cãi nhau lớn, anh Huỳnh nóng giận đã đập phá một số vật dụng trong trại và bóp cổ Đặng. Khi chồng ngủ say, Đặng ra ngoài đi vệ sinh, lúc đứng lên cảm thấy nhói đau nơi cổ và lòng căm giận nổi lên, thị triển khai ngay ý đồ đã nung nấu trước đó.

Ngày 9-2-2001, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp cho thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường trước sự theo dõi của khoảng 4.000 người dân và một số phóng viên báo đài. Đặng với thái độ không hề tỏ ra ăn năn hối cải, bình thản diễn lại 45 động tác để đưa chồng “về nơi chín suối”. Điều đó càng gây thêm căm phẫn cho những người chứng kiến, họ vốn quá hiểu bản chất đa tình, thâm độc của người đàn bà có khuôn mặt tròn trịa ấy.

Vụ án từng gây xôn xao dư luận này đã được đưa ra xét xử lưu động để răn đe những kẻ có ý đồ muốn gây chuyện ác, gây mất trật tự an ninh địa phương và những kẻ muốn thỏa mãn dục vọng bằng cách vượt qua đạo đức, pháp luật. Một số người dân địa phương thì nói rằng câu chuyện về thị Đặng sao giống câu vọng cổ bà con miền Tây hay hát: “Khi con cua đực lột vỏ mềm nhũn thì con cua cái đến xơi tái...”.

(Còn tiếp)