Hai mặt của tấm “hộ chiếu vaccine”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ý tưởng về việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” đang được không ít quốc gia trông đợi như là một “cứu cánh” để phục hồi kinh tế, đặc biệt là phục hồi ngành hàng không và ngành “công nghiệp không khói”. Song, cũng có không ít lo ngại về việc đưa vào sử dụng tấm hộ chiếu này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy…
Hộ chiếu vaccine có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường - đào sâu thêm sự phân biệt đối xử hay chia rẽ

Hộ chiếu vaccine có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường - đào sâu thêm sự phân biệt đối xử hay chia rẽ

Vaccine Covid-19 là cứu cánh?

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, nền kinh tế thế giới ước tăng trưởng âm 4,3% trong năm 2020 - một mức suy giảm chỉ xảy ra trong cuộc Đại suy thoái và trong 2 cuộc chiến tranh thế giới. Vào đầu năm 2020, WB dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 2,5% trong năm 2020, đạt mức 86.000 tỷ USD, nên đại dịch Covid-19 đã kéo lùi mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 khoảng 6,8%, tương đương khoảng 5.600 tỷ USD. WB cũng dự báo, trong năm 2021 nền kinh tế thế giới có thể sẽ phát triển nhanh một cách không bình thường nhờ việc triển khai vaccine Covid-19. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay vẫn thấp hơn dự báo đưa ra trước đó, khiến thế giới mất thêm gần 4.700 tỷ USD.

Hàng không và du lịch là những ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch. Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng, lượng du khách quốc tế toàn cầu giảm từ 70-75% trong năm 2020, tương ứng với giảm 1 tỷ lượt khách và doanh thu du lịch quốc tế bị thiệt hại 1.100 tỷ USD. Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành vận tải hàng không do dịch Covid-19, làm các hãng hàng không toàn cầu lỗ tới 117 tỷ USD. Năm 2020, các hãng hàng không trên thế giới chỉ vận chuyển khoảng 1,8 tỷ lượt khách so với 4,9 tỷ trong năm 2019, và đây là mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Dù các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để khôi phục kinh tế cũng như các hoạt động bình thường khác của cuộc sống, song không thể trở lại bình thường nếu không có vaccine ngừa Covid-19 hay miễn dịch cộng đồng. Nói cách khác, vaccine được trông đợi rất lớn để đưa mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội toàn cầu trở lại bình thường. Ngay sau khi những loại vaccine Covid-19 đầu tiên được phê chuẩn, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã chạy đua tiêm vaccine đại trà cho người dân để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, mà theo đánh giá của giới chuyên môn cần ít nhất 60% dân số được tiêm phòng.

Một số quốc gia đã ủng hộ ý tưởng về việc sử dụng “hộ chiếu vaccine”, theo đó cho phép những người đã tiêm chủng phòng Covid-19 được tự do đi lại để mở đường cho hồi phục kinh tế mà trước hết là du lịch và hàng không. Trong nỗ lực nhằm mở cửa lại nền kinh tế, một số chính phủ và các hãng phát triển công nghệ đang xem xét khả năng phục hồi kinh tế thông qua sử dụng “hộ chiếu vaccine”, xác định những người được bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2. Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Vùng Vịnh có nền kinh tế dựa vào ngành du lịch đã thúc đẩy ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vaccine”. “Hộ chiếu vaccine” là chứng nhận khẳng định người sở hữu nó đã được tiêm phòng Covid-19 hay chưa.

Cân nhắc trong việc áp dụng

Không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng trong việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với phục hồi kinh tế, đưa cuộc sống trên toàn cầu trở lại trạng thái bình thường. Nhiều quốc gia đã tính tới việc bãi bỏ những hạn chế đi lại đối với những người đã tiêm vaccine, mở cửa đón du khách quốc tế có giấy chứng nhận tiêm vaccine… Vì thế, một số quốc gia đã ủng hộ, thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Trong đó, ngay từ hồi tháng 1-2021, Hy Lạp đã kêu gọi EU cho phép những người sử dụng “giấy chứng nhận đã tiêm vaccine” được tự do đi lại trong khối. Hy Lạp đã ký thỏa thuận với Israel cho phép những người đã được chủng ngừa được phép đi lại giữa 2 nước.

Một số quốc gia ở khu vực Bắc Âu còn có bước tiến xa hơn khi Thụy Điển và Đan Mạch đã triển khai chương trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử để cho phép người dân xuất ngoại tham dự các sự kiện thể thao, văn hóa và thậm chí tới dùng bữa tại các nhà hàng. Iceland, không phải là thành viên EU, song nằm trong khu vực tự do đi lại Schengen, cũng đã bắt đầu cấp chứng chỉ tiêm chủng điện tử từ tháng 1-2021 để tạo điều kiện đi lại dễ dàng giữa các quốc gia.

Tại châu Á, Thái Lan đang xem xét miễn cách ly cho du khách nước ngoài đã tiêm vaccine phòng Covid-19. Được trông đợi như là “cứu cánh” để đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường, song “hộ chiếu vaccine” cũng có mặt trái, có thể dẫn tới những hệ lụy mà chưa thể lường hết vào lúc này. Việc thực thi chính sách “hộ chiếu vaccine” có thể khiến chủ nghĩa dân tộc thời Covid-19 thêm nặng nề, bởi các chính phủ sẽ đặt quyền lợi của công dân nước mình lên trên lợi ích chung của cộng đồng toàn cầu. Và điều này có thể đào sâu thêm hố ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo, giữa người giàu và người nghèo ngay trong tại mỗi quốc gia.

“Hộ chiếu vaccine” cũng có thể gây ra bất bình đẳng trong việc di chuyển giữa các quốc gia, kỳ thị giữa người được tiêm vaccine và người chưa được tiêm. Các loại vaccine hiện mới được phân phối chủ yếu ở các nước giàu, còn các nước nghèo nhất thế giới có lẽ chưa thể tiếp cận, tiêm đại trà vaccine cho người dân trong 2-3 năm tới. Mâu thuẫn giữa những người đã tiêm vaccine và những người chưa được tiêm đang gây ra những vấn đề chính trị và đạo đức hết sức nan giải. Người dân ở những nước giàu và những cộng đồng giàu có rõ ràng được ưu tiên hơn trong việc tiêm vaccine.

Chính vì vậy, việc trao đặc quyền cho những người đã tiêm vaccine và thắt chặt quản lý đối với những người chưa được tiêm chủng sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm ở những nhóm cộng đồng vốn đã có nguy cơ cao thêm phần nguy hiểm. Giới chuyên môn lo ngại rằng, “hộ chiếu vaccine” có thể tạo cho người dân cảm giác sai lệch về sự an toàn. Bởi hiện còn chưa rõ vaccine Covid-19 giúp chống lại sự lây nhiễm và phát tán bệnh tới mức độ như thế nào, hay tiêm chủng có tác dụng đối với những biến chủng mới của virus Corona….

Chính vì thế có những ý kiến cho rằng cần cân nhắc, thận trọng áp dụng “hộ chiếu vaccine” vào lúc này. Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vaccine” để thúc đẩy hoạt động đi lại. Lý do đưa ra là hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng “hộ chiếu vaccine” vì vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế trên thế giới.