Hài hước chuyện “bình đẳng”

ANTĐ - Các cặp vợ chồng trẻ đều thông suốt khẩu hiệu bình đẳng trong gia đình hiện đại. Tuy nhiên, để công bằng tuyệt đối, nhiều người đã làm một bản danh sách phân chia “anh-em”. Nhưng thực tế hạnh phúc chẳng thể chia đôi. 

Gia đình “chia đôi”

Du học ở Anh suốt 6 năm, Thu Huệ (quận Đống Đa) rất “ngấm” tư tưởng bình đẳng của phương Tây. Còn Minh Quang – chồng Huệ là phóng viên một tờ báo lớn. Nói về kiến thức xã hội, hiểu biết về bình đẳng nam-nữ, anh cũng rất tinh tường. Do đó, trước khi cưới nhau, hai người đã có cuộc nói chuyện rất sòng phẳng về chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc gia đình. Huệ đánh máy một danh sách các công việc và trách nhiệm mà hai vợ chồng phải gánh vác, chia sẻ. 

Là con một, Quang được mẹ chiều chuộng từ nhỏ, chỉ ăn và học, vì thế, tuy rất hiểu tinh thần bình đẳng nhưng anh chẳng mường tượng được “công việc nội trợ” bao gồm những gì. Chính vì thế, nhìn thấy danh sách đầu việc Huệ đưa ra, Quang rất choáng. Chồng: đi chợ, vợ nấu ăn, chồng rửa bát, vợ lau nhà, chồng cho quần áo vào máy giặt, vợ phơi, chồng gấp quần áo, vợ là, chồng dọn nhà vệ sinh phòng khách, vợ lau phòng ngủ, vợ cho mèo ăn, chồng dắt chó đi… vệ sinh. 

Vốn chẳng quen đi chợ, rửa bát, ngay từ ngày đầu tiên, Quang đã làm đổ vỡ cả chồng bát đĩa. Đi chợ thì mua mắm quên muối, mua cá quên hành thì là, ăn một thì mua 3-4. Có bữa chẳng biết ăn gì, lại quên hỏi vợ, Quang cứ ra chợ mua bát nháo, cá, gà, bò, lợn mỗi thứ 1 kg, để đầy tủ lạnh. Hai vợ chồng lại chẳng ăn mấy khiến thực phẩm lưu cữu cả tháng. Có bữa, thức ăn được nấu lên nhưng không có cơm, Huệ bảo do chồng không mua gạo nên chỉ ăn thịt… trừ bữa. Nếu chồng bận không đi chợ, Huệ mua đồ ăn về ăn một mình, đã thế còn “cấm vận”, bắt chồng ra phòng khách ngủ. 

Nhà vệ sinh, phòng ngủ bị tắc, chưa gọi được thợ, Huệ thương thảo với chồng để được “dùng chung” WC phòng khách. Nhưng vì bực mình vợ không cho ăn cơm nên Quang khóa luôn nhà vệ sinh ở phòng khách. Huệ cằn nhằn chồng quá nhỏ nhen, Quang ca cẩm vợ không ra vợ. Vậy là chiến tranh lạnh nổ ra hơn một tháng nhưng không ai chịu xuống nước làm lành.  “Đã làm việc vụng về nhưng vợ còn cằn nhằn, chê bai, lại bắt làm đi làm lại nên tôi cáu gắt, mệt mỏi. Vợ chồng mới cưới mà lúc nào cũng căng thẳng, chồng chê vợ nấu cơm nát, vợ ca cẩm chồng lãng phí, thừa tiền. Nhìn nhau mà thấy tức anh ách, còn gì yêu thương, vui vẻ” – Quang chán nản. 

Chuyện bình đẳng ở nhà anh chị Kim - Cúc (quận Hai Bà Trưng) còn hài hước hơn. Chị Cúc không “cào bằng” nhưng yêu cầu chồng phải luôn bên cạnh vợ, thấy vợ làm gì thì làm cùng. Để tiện “chia sẻ”, vật dụng gì trong nhà chị cũng sắm hai thứ. Nhà có 30m2 nhưng lúc nào vợ một xô nước, một cái chổi, thì chồng cùng nhăm nhăm lấy chổi, xách nước để lau cùng. Khi chị nấu bếp thì anh nhặt rau, chị thái hành, anh rán cá, chị vo gạo. Ngay cả việc giặt quần áo chị cũng đòi anh phải đứng cạnh để “vắt nước”. Khi chị rửa bát thì anh đứng cạnh để lau khô và xếp vào chạn… Hai vợ chồng cứ đủng đỉnh “sánh vai nhau” như vậy khiến anh Kim sốt ruột. Nhưng khi anh đề nghị mỗi người làm một việc cho nhanh thì vợ anh nhất định không chịu. Chị bảo như vậy thì sẽ có người việc nhiều, việc ít mà tình cảm vợ chồng không được kết nối. Hai người bên nhau sẽ chia ngọt sẻ bùi nhiều hơn. 

Chuyện hài hơn là khi chị sinh con, đêm đêm chị phải dậy cho con bú. Nhưng để công bằng, anh Kim cũng phải dậy để ngồi bên cạnh, lấy khăn cho chị lau ngực, lấy nước cho vợ uống, thậm chí nâng đầu con hộ vợ. Cho dù công việc cũng chẳng cần đến chồng nhưng chị Cúc vẫn muốn “hành chồng” vì “tại sao anh ấy được ngủ mà em lại không”. 

Được gần 1 tháng thì anh Kim nhọc phờ, lấy đủ các lý do để đi làm về thật muộn. Tối đến cũng vào phòng làm việc đóng chặt lại ngủ cho ngon. “Tôi biết cô ấy sinh con mệt mỏi, vất vả nhưng dù sao cô ấy vẫn được ở nhà, có thể nghỉ ngơi lúc con ngủ. Còn tôi ban ngày đi làm, ban đêm thức 4-5 lần để cùng… cho con bú thì chịu sao được. Nhưng vợ tôi không thông cảm, cho rằng tôi không công bằng. Cô ấy có giận thì tôi cũng chịu” – anh Kim chia sẻ. 

Bình đẳng là một giá trị

Theo bà Nguyễn Thu Hiền – chuyên viên về giới (Học viện Hành chính chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), bình đẳng không có nghĩa “cào bằng” hay “chia việc làm hai” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Chính vì thế, nếu chỉ máy móc “chia việc cho chồng” thì sẽ không giải quyết được gánh nặng việc nhà mà chị em còn vấp phải sự “kháng cự quyết liệt” hoặc làm quấy quá cho xong của các ông chồng. Khi đã ra “nghị quyết cào bằng” nhưng vẫn phải làm nhiều việc hơn, có khi còn đi theo để “thu dọn chiến trường” do các ông chồng bày ra, chị em càng thấy sự bất bình đẳng mà mình đang phải chịu đựng. Đã thế, các ông chồng lại luôn ba hoa, khoe về thành tích “bình đẳng của mình”. 

“Nếu gia đình lúc nào cũng rập khuôn “chồng đi chợ, vợ nấu cơm” một cách cứng nhắc thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng. Hạnh phúc chia đôi không còn là hạnh phúc. Bình đẳng “cào bằng” chỉ là bình đẳng giả hiệu. Nếu “chia đổi” và tranh cãi gay gắt vì điều đó thì khác nào đào sâu sự đối nghịch giữa nam và nữ, bởi khả năng và tính cách mỗi người khác nhau. Nếu bắt chồng nấu cơm trong khi anh ấy nấu rất dở thì chắc chắn sẽ cãi nhau. Nếu đòi vợ “rửa bát” khi cô ấy đang mệt mỏi thì sẽ tạo nên sự bất bình” – chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô) nhận định. 

Theo bà Lê Thị Túy, bình đẳng trong gia đình thực chất là sự tự nguyện chia sẻ và cảm thông lẫn nhau. Hạnh phúc không phải việc ai làm nhiều làm ít mà cùng nhau đóng góp “xây nhà, giữ bếp”. Chồng thấy vợ làm nội trợ không coi thường, cho rằng việc lặt vặt. Khi vợ bận rộn thì cũng nên chia sẻ với vợ việc dạy con học, tắm táp, chơi với con. Ngoài ra, bình đẳng cũng là ở việc chồng tôn trọng ý kiến của vợ khi đưa ra những quyết định trong gia đình. Còn người vợ thấy chồng vụng về, chậm chạp khi làm việc nhà thì nên động viên, khuyến khích chứ không nên cằn nhằn, phê phán…