Hài hòa lợi ích

(ANTĐ) - Việc Thượng nghị viện Mỹ lên tiếng kêu gọi bảo vệ môi trường của sông Mekong cho thấy việc phát triển bền vững con sông quốc tế này đã trở thành vấn đề được thế giới quan tâm rộng rãi.

Lời kêu gọi trên được Thượng viện Mỹ đưa ra trong Nghị quyết trình trước cơ quan lập pháp của Quốc hội Mỹ ngày 7-7. Trong đó, Thượng viện Mỹ ca ngợi việc Lào tạm dừng xây đập thủy điện Xayaburi và kêu gọi tiếp tục ngừng những dự án xây đập khác trên sông Mekong cho đến khi đảm bảo các bên liên quan có sự hợp tác và có kế hoạch thích hợp.
Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Jim Webb bảo trợ yêu cầu Chính phủ Mỹ sử dụng “tiếng nói và lá phiếu của mình” trong các thể chế quốc tế nhằm đảm bảo gìn giữ môi trường đối với các dự án trên sông Mekong. Bởi theo vị Thượng nghị sĩ này, thiếu phương thức hợp tác sẽ dẫn đến hậu quả đe dọa sự ổn định môi sinh và kinh tế của Đông Nam Á.

 

Hàng triệu người nghèo ở đồng bằng sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng
nghiêm trọng nếu xây nhiều đập thủy điện ở thượng lưu 

Nghị quyết nhằm bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững sông Mekong được đưa ra trong bối cảnh đang có hàng loạt dự án thuỷ điện gây tranh cãi dự định triển khai trên dòng sông quốc tế chảy qua lãnh thổ các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam này. Những tranh cãi chủ yếu xuất phát từ lợi ích của 65 triệu người sinh sống hai bên dòng sông.
Hiện có tới hơn 20 dự án thuỷ điện đã và đang lên kế hoạch triển khai trên dòng sông Mekong bắt đầu từ Trung Quốc và chảy ra biển ở Việt Nam với cái tên sông Cửu Long. Trung Quốc đã xây 4 đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong và đang đề xuất xây thêm 8 dự án thuỷ điện khác.
Lào và Campuchia cũng đang dự kiến triển khai 12 dự án thuỷ điện trên sông Mekong, trong đó Lào chiếm đa số với 10 dự án. Trong số những dự án này, dự án thuỷ điện Xayaburi gây ra nhiều tranh cãi nhất vì có quy mô đồ sộ với con đập chính dài 810m, cao 32m, công suất dự kiến 1.260 MW này sẽ được bán cho Thái Lan.
Tranh cãi chủ yếu xuất phát từ bài toán được-mất khi xây hàng loạt đập thuỷ điện trên sông Mekong cũng như lợi ích của các nước liên quan. Theo tính toán, tổng thu nhập từ bán điện của 12 dự án thuỷ điện ở Lào và Campuchia không lớn, chỉ vào khoảng 3-3,7 tỉ USD/năm nhưng do xây dựng theo hình thức BOT nên số tiền thực thu mỗi năm chỉ gần 700 triệu đến gần 900 triệu USD.
Trong khi đó, cái giá phải trả lại quá lớn. Lào phải di cư khoảng 107.000 người cùng 2 triệu người khác bị ảnh hưởng với những hệ luỵ chưa tính hết về xã hội và sinh kế.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những nước ở hạ lưu sông Mekong như Việt Nam và Campuchia. Ước tính lượng phù sa về khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vào khoảng 26 triệu tấn mỗi năm sẽ giảm xuống còn 7 triệu tấn/năm, mất từ 220.000-440.000 tấn cá trắng di cư mỗi năm, tương đương 0,5-1 tỉ USD... Chỉ riêng tổn thất này đã lớn hơn lợi ích do thủy điện trên sông Mekong mang lại.
Phát triển bền vững và bảo đảm lợi ích hài hoà của các nước có chung dòng sông Mekong vì thế đã trở thành một vấn đề được không chỉ khu vực quan tâm.