Hai cựu “sếp” đổ vấy cho cấp dưới

ANTĐ - Sau gần nửa ngày kiểm tra căn cước và công bố cáo trạng, phiên tòa bắt đầu với phần thẩm vấn cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines. Không có gì bất ngờ khi cặp đôi Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc luôn đổ vấy tội lỗi cho thuộc cấp. 

Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 bị cáo đồng phạm đứng trước vành móng ngựa

Tiền hậu bất nhất…

Trước khi chính thức đi vào phần thẩm vấn, nữ chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Ngô Ngọc Ánh đã thẩm tra các bị cáo về nội dung bản cáo trạng. Đáp lời, Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đều lần lượt khẳng định, bản cáo trạng tại phiên tòa hoàn toàn trùng khớp với bản cáo trạng mà các bị cáo đã được tống đạt từ trước. 

Xoay quanh hành vi “khai sinh” dự án Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam trái phép, Dương Chí Dũng trình bày, chủ trương này được chính ông ta đệ trình lên HĐQT Vinalines từ năm 2006 với tư cách khi đó là TGĐ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Nhưng phải hơn một năm sau thì dự án mới chính thức hình thành, khi bị cáo đã lên nắm cương vị Chủ tịch HĐQT và ký ban hành nghị quyết. Trên cơ sở này, tháng 

5-2007, Mai Văn Phúc (lúc đó là TGĐ) ra quyết định thành lập BQL dự án và “sắp xếp” nhân sự.

Dương Chí Dũng cho rằng, thời điểm đó ông ta không sai khi ký Quyết định số 678/QĐ-HĐQT phê duyệt đề nghị của Mai Văn Phúc về dự án nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển. Bởi lẽ khi đó Vinalines xác định sẽ dùng nguồn vốn huy động và vay ngân hàng. Thế nhưng khi bị HĐXX căn vặn lấy tiền đâu để trả lãi và phải có nguồn để trả nợ gốc thì Dương Chí Dũng… tắc tịt. Từ đó, ông ta mới quay sang thừa nhận việc phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam là trái thẩm quyền. Cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines trình bày vắn tắt quy trình dự án, sau khi có chủ trương thì phải báo cáo, đề nghị Bộ GTVT xem xét, bổ sung vào quy hoạch các cơ sở công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đồng thời đề nghị bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép đầu tư. Dương Chí Dũng thừa nhận, trong hành vi cố ý làm trái này, mặc dù mới được đồng ý về mặt nguyên tắc, song ông ta vẫn tự ý triển khai và “mặc định” là dự án được phê duyệt. Nhưng hài hước hơn là ở chỗ: “Phải mãi sau này bị bắt giữ, điều tra thì bị cáo mới nhận thức được việc triển khai dự án là trái phép” – cựu Chủ tịch Vinalines thanh minh.     

Về hành vi cố ý làm trái trong việc mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng khẳng định không bàn bạc, không chỉ đạo Mai Văn Phúc hoặc bất kỳ thuộc cấp nào. Theo giải thích của ông ta, giữa lúc dự án nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu đang triển khai thì TGĐ Vinalines có tờ trình mua ụ nổi của Công ty AP (Singapore) ra trước HĐQT. Và chỉ đến khi đó ông ta mới biết. Tuy vậy, Dương Chí Dũng lại xác nhận, ông ta biết Công ty Nakhodka của Nga mới là chủ sở hữu ụ nổi 83M vì trước đó VinaShin đã từng mua 2 ụ nổi của nước bạn. Thắc mắc về việc “sao không đàm phán để mua trực tiếp ụ nổi của Công ty Nakhodka” thì Dương Chí Dũng được TGĐ giải thích rằng vì “rào cản” thủ tục. Liên quan đến hành vi này, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines lý giải, sau khi đoàn khảo sát về đã báo cáo với HĐQT rằng ụ nổi vẫn hoạt động tốt, chỉ bị hư hỏng nhẹ, thiết bị được sản xuất từ năm 1965. Dương Chí Dũng quả quyết, ông ta không có vai trò gì trong giao dịch mua bán ụ nổi, bởi đó là chức năng, quyền hạn của TGĐ, chủ tịch HĐQT không được phép can dự. “Bị cáo chỉ thực hiện chức năng về chủ trương, giám sát của HĐQT” – cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines giãi bày. Trước tòa, Dương Chí Dũng còn khăng khăng rằng: “Quyết định mua ụ nổi là của cả tập thể HĐQT chứ không phải của cá nhân bị cáo”. 

Mua ụ nổi vì bị dọa cách chức (?!) 

Là bị cáo thứ hai bị thẩm vấn, Mai Văn Phúc trình bày thời điểm đệ trình HĐQT ra quyết định mua ụ nổi 83M là khi ông ta mới nhậm chức được gần 2 tháng. Thế nên “nhất cử, nhất động” trong việc này đều do Trần Hữu Chiều chủ động hết. Tuy nhiên, ông ta cũng vẫn rất thận trọng khi yêu cầu trưởng BQL dự án phải lấy ý kiến của tất cả các phòng, ban chuyên môn trong tổng công ty. Trên cơ sở đó, Mai Văn Phúc mới ký tờ trình và được Dương Chí Dũng phê duyệt mua ụ nổi.

Vẫn theo giải thích của cựu TGĐ Vinalines, sở dĩ ông ta “buộc” phải đề xuất cấp trên mua món hàng hết “đát” về còn vì một nguyên nhân khác là luôn bị Dương Chí Dũng thúc ép về tiến độ. “Có lần anh Dũng nói với bị cáo rằng nếu để chậm tiến độ dự án thì sẽ đề nghị cách chức”. Hòng lấp liếm vai trò của mình, Mai Văn Phúc tiếp tục đẩy trách nhiệm cho cấp dưới trong việc cử đoàn khảo sát sang Nga xem xét ụ nổi. Cụ thể, cựu TGĐ Vinalines trình bày, Trần Hữu Chiều dẫn đầu đoàn khảo sát, trong đó có Mai Văn Khang, Trần Hải Sơn và Lê Văn Dương. Trước đó, cũng chính cựu Phó TGĐ Vinalines, kiêm trưởng ban QLDA đề xuất danh sách đoàn khảo sát. Lúc đoàn khảo sát sang Nga, Mai Văn Phúc chỉ dặn phải xem xét kỹ lưỡng ụ nổi, có đáp ứng đủ điều kiện không, ngoài ra không chỉ đạo gì khác. Ông ta còn kể công rằng, khi Chiều báo cáo và đề xuất mua ụ nổi, chính Phúc đã chất vấn là vì sao không khảo sát ụ nổi 194 của Mỹ vì nó được sản xuất năm 1988, trong khi ụ nổi 83M lại sản xuất từ năm 1965 và đã bị cơ quan chức năng Nga từ chối cấp giấy chứng nhận hoạt động từ năm 2006. Vậy nhưng ngay khi đó, Chiều đã gạt đi vì cho rằng chỉ có ụ nổi 83M là sự lựa chọn duy nhất, còn ụ nổi kia không đáp ứng được điều kiện của nước ta. Sau này, đoàn khảo sát về báo cáo tình hình, thêm một lần nữa ông ta đã hỏi han rất tỉ mỉ về chủ sở hữu ụ nổi, nội dung đàm phán, tiền “hoa hồng” mà Công ty AP được hưởng trong vụ môi giới này, nhưng sau đó vẫn bị cấp dưới “khuất phục”.

Về phần Trần Hữu Chiều, bị cáo này chỉ thừa nhận một phần nội dung bản cáo trạng truy tố. Ông ta khai sau khi khảo sát ụ nổi đã làm báo cáo “bậy”, nhưng chỉ là về phần môi trường và an toàn hàng hải. Trong quá trình khảo sát, Chiều chỉ xem xét chiếu lệ với việc đối tác sắp đặt ụ nổi hoạt động như thật, rồi phó mặc hết cho cấp dưới cùng đi trong đoàn. Ông ta khẳng định, không được Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc chỉ đạo gì về việc mua bán ụ nổi 83M. Trước việc không thành khẩn của Chiều, HĐXX đã buộc phải công bố một số lời khai tại CQĐT. Theo đó, trong một bút lục, Chiều khẳng định: “Trước khi đoàn khảo sát sang Nga khoảng một tuần, anh Phúc đã chỉ đạo tôi là làm sao phải mua được ụ nổi 83M và phải mua của Công ty AP. Lúc đó tôi hiểu là anh Phúc muốn mua bằng được ụ nổi này”… 

Trong ngày đầu diễn ra phiên tòa, hầu hết các bị cáo còn lại từng là cán bộ của Vinalines cũng đều chỉ khai nhận một phần trong cả hai hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Và điều rất dễ nhận ra là lời khai của các bị cáo đều thể hiện trách nhiệm luôn thuộc về cấp dưới… Đối với hành vi tham ô tài sản khi chia chác nhau 1,666 triệu USD, tương đương hơn 28 tỷ đồng từ việc “lại quả”, Trần Hải Sơn đã vach vách thuật lại rất tỷ mỉ về những lần giao các vali tiền cho hai “sếp bự” của Vinalines. Vậy nhưng tại tòa, Dương Chí Dũng vẫn phủ nhận không nhận tiền từ cấp dưới. 

Hôm nay phiên tòa sẽ được tiếp tục xét xử.

Những lời khai hài hước

Mai Văn Phúc: “Sở dĩ bị cáo và anh Dũng mâu thuẫn, từ đó luôn bất đồng ý kiến với nhau là do trước ngày bị cáo được bổ nhiệm làm TGĐ, anh Dũng đã vận động một số người không bỏ phiếu cho bị cáo”.

Trần Hữu Chiều: “Bị cáo bị ốm nên hỏi vay anh Sơn 1 tỷ đồng. Sau đó, anh Sơn đưa cho bị cáo 340 triệu đồng và nói đây là quà của anh. Thế nhưng mãi sau này, bị cáo mới ngộ ra là mình vừa tham gia vụ ụ nổi 83M nên vô tình bị kéo vào tội tham ô.

Mai Văn Khang: “Hôm khảo sát, sau khi thấy ụ nổi đã nổi lên một phần, bị cáo bỏ về vì trời tối. Lúc ấy, trong lòng bị cáo nghĩ kiểu gì mà ụ nổi chẳng nổi lên”. 

Hành trình trốn chạy của Dương Chí Dũng

Tại tòa, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines khai: “sau mấy tháng lên nắm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thì bị cáo được Thanh tra Chính phủ thông báo về một số sai phạm ở Vinalines trong thời gian bị cáo giữ cương vị cao nhất. Hồ sơ sau đó được Thanh tra Chính phủ chuyển sang CQĐT. Chập tối 

7-5-2012, bị cáo nghe tin mình bị khởi tố nên hoảng quá và quyết định bỏ trốn. Sẵn trong ví có visa sang Mỹ, bị cáo liền sang Campuchia và mua vé máy bay sang Hoa Kỳ. Chuyến bay ấy quá cảnh tại Singapore, Đức, rồi mới sang Mỹ. Tuy nhiên, khi đến đây thì bị cáo bị từ chối cho nhập cảnh vì họ nhận được thông báo của Việt Nam. Vì thế, bị cáo buộc phải quay lại nơi xuất phát và sau đó bị bắt giữ vào ngày 4-9-2012”.