Hai cựu Ngoại trưởng Anh dính bê bối giao dịch quyền-tiền

ANTĐ - Hai cựu Ngoại trưởng và hiện là nghị sĩ Hạ viện Anh Jack Straw và Malcolm Rifkind đã bị truyền thông nước này phanh phui việc tình nghi lợi dụng ảnh hưởng chính trị để can thiệp và hưởng “hoa hồng” từ lợi nhuận tạo ra cho các công ty thương mại.

Hai cựu Ngoại trưởng Anh dính bê bối giao dịch quyền-tiền ảnh 1Hai nghị sĩ Anh nói cáo buộc từ video của phóng viên là “không có căn cứ”

“Chính khách cho thuê”

Phóng viên Channel 4 và Báo Daily Telegraph của Anh đã giả làm nhân viên của một công ty có trụ sở ở Hồng Kông, Trung Quốc thông báo rằng muốn tuyển dụng một chính khách người Anh có sức ảnh hưởng cho vị trí cố vấn của công ty này. Sau đó họ lén ghi hình lại cuộc đối thoại trực tiếp với 2 cựu chính khách Jack Straw và Malcolm Rifkind – 2 trong số nhiều chính khách được mời làm việc.

Vị nghị sĩ 69 tuổi - Jack Straw là người sáng giá cho vị trí tuyển dụng trên khi ông là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng lớn trong Công Đảng Anh. Ông từng là Bộ trưởng Nội vụ, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tư pháp Anh. Trong khi đó, nhân vật thứ hai “tranh ghế” cố vấn thương mại, ông Malcolm Rifkind, sinh năm 1946, cũng không kém cạnh. Dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher và John Major, ông Rifkind từng kinh qua các chức vụ như Ngoại trưởng Scotland (1986-1990), Bộ trưởng Quốc phòng Anh (1992-1995) và Bộ trưởng Ngoại giao (1995-1997). 

Trong đoạn video bị quay trộm, ông Jack Straw cho biết từng sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp một công ty hưởng lợi và nhận thù lao từ công ty đó 60.000 bảng Anh mỗi năm.

Theo ông Straw, ông từng đảm nhiệm vai trò cố vấn cho nhà cung cấp hàng tiêu dùng ED&F Man. Năm 2011, ED&F Man muốn nhập khẩu mía nguyên liệu vào Ukraine, tinh chế trong nhà máy của công ty ở đây và sau đó xuất khẩu, nhưng gặp khó khăn do một số quy định của Ukraine. Với vai trò cố vấn thương mại, ông cùng các đại sứ Anh đã gặp Thủ tướng Ukraine để thay đổi quy định tác động xấu đến công ty này.

Còn vị nghị sĩ của Đảng Bảo thủ Anh - Malcolm Rifkind lại “khoe” có thể sắp xếp những cuộc tiếp xúc với đại sứ của Anh trên khắp thế giới. Tiền thù lao cho nửa ngày làm việc được ông đưa ra là từ 5.000-8.000 bảng Anh.

Theo ông Malcolm Rifkind, ông tự làm thuê cho mình, “không ai phát lương cho tôi, tôi phải tự mình kiếm tiền”. Tuy nhiên, một số nguồn tin chỉ ra, ông Rifkind là một nghị sĩ, mỗi năm ông hưởng lương từ Quốc hội Anh hơn 60.000 bảng. Theo đoạn video, hai vị nghị sĩ trên đều khẳng định nếu nhận được một khoản thù lao nhất định thì có thể làm công tác cố vấn cho “công ty Trung Quốc” đã tuyển dụng. Tối 23-2, kênh Channel 4 của Anh đã phát sóng phim tài liệu về nội dung trên với tiêu đề “Chính khách cho thuê”. 

Đề nghị cấm nghị sĩ kiêm nhiệm

Tiết lộ của 2 cựu quan chức cao cấp của Nội các Anh sau khi lan truyền đã khiến dư luận nước này dậy sóng. Tuy nhiên, cùng ngày 23-2, 2 nghị sĩ đã lên tiếng phủ nhận việc dùng quyền lực để mưu lợi cá nhân, đồng thời cho biết mình bị rơi vào bẫy lừa tinh vi, bị trích lời nhưng thực chất đã có sự cắt ghép chủ ý. Nghị sĩ Jack Straw và Malcolm Rifkind còn biện minh rằng hành vi làm thêm của họ là hợp lý và yêu cầu công bố toàn bộ nội dung đoạn video đối thoại.

Ông Jack Straw đã đề nghị Công Đảng tạm đình chỉ tư cách nghị sĩ của mình cho đến khi có kết quả điều tra. Còn ông Rifkind đã bị Ủy ban kỷ luật của Đảng Bảo thủ tuyên bố tạm thời đình chức. Trước đó, ông Rifkind giữ chức vụ quan trọng trong Quốc hội Anh, ông là Chủ tịch ủy ban chuyên giám sát công việc của cơ quan tình báo đối nội Anh (MI5) và cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6). Lún vào thông tin bê bối trao đổi quyền lực – tiền bạc này, ông Malcolm Rifkind phản bác “không có gì đáng xấu hổ” và cáo buộc từ video của phóng viên là “không có căn cứ”.

Theo ông Malcolm Rifkind, khoảng 200 nghị sĩ đang có công việc kinh doanh cá nhân và mọi thứ ông làm ra đều được liệt kê trong mục lợi ích kinh doanh của các nghị sĩ. Ông Rifkind khẳng định không từ bỏ chức vụ Chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo, trừ khi các đồng nghiệp trong ủy ban này muốn như vậy. 

Quốc hội Anh không cấm các nghị sĩ làm thêm công việc thứ hai, nhưng quy định rõ ràng không được lợi dụng tài nguyên của Quốc hội để mưu lợi cho công ty riêng, phải báo cáo về thu nhập cá nhân… Hiện 2 nghị sĩ trên đã yêu cầu Quốc hội vào cuộc điều tra sự việc. Về vụ việc của nghị sĩ Jack Straw và Malcolm Rifkind, lãnh đạo Công Đảng đối lập Anh - ông Ed Miliband đã gửi thư lên Thủ tướng đương nhiệm David Cameron bày tỏ đây là một vấn đề đáng lo ngại và yêu cầu cấm các nghị sĩ kiêm nhiệm thêm công việc. Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Xanh bà Natalie Bennett cho biết Đảng của bà sẽ “chấm dứt tình trạng nghị sĩ làm thêm công việc thứ hai”.