Hai cành đào xuân huyền thoại

ANTD.VN - Trong tiến trình xây dựng và bảo vệ trái tim của đất nước, người Thăng Long - Hà Nội đã hai lần ghi vào lịch sử hình ảnh cành đào xuân trong lửa đạn, đầy sức sống và lãng mạn giữa lửa khói chiến tranh, thể hiện khát vọng hòa bình. 

Tranh: LÊ ANH VÂN

Từ “Xuân lửa Đống Đa” của nghĩa quân Tây Sơn năm Kỷ Dậu (1789) đến xuân Đinh Hợi (1947), “Hà Nội ầm ầm rung” trong tiếng đại bác, tiếng xe tăng gầm rít trên đường phố, người Hà Nội vẫn truyền nhau câu nói “Thăng Long phi chiến địa”, mong ước hòa bình an vui. Và cành đào xuân, biểu tượng của Hà Nội văn hiến - hào hoa vẫn vượt qua vòng vây của thực dân Pháp xâm lược, đến với người chiến sĩ Liên khu I Anh hùng, đẹp như một huyền thoại, đây là câu chuyện kỳ diệu có thật. 

Những cái Tết kỳ diệu 

Trước thềm năm mới, quân dân Hà Nội náo nức chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm Thủ đô Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến, bảo vệ hòa bình độc lập, chủ quyền của đất nước. Ta như nghe lời hịch cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang dội núi sông: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.

Chí khí ấy, tinh thần ấy, hơn một thế kỷ trước, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã từng tuyên ngôn trước khi mở cuộc hành quân thần tốc ra Bắc, đánh quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng, tri hữu chủ”. Giữa Thăng Long còn dư âm chiến trận Đống Đa vô cùng xúc động trước muôn sắc thắm của đào xuân mà người dân kinh thành hân hoan dâng lên chào đón, Nguyễn Huệ đã cho người mang cành đào về Phú Xuân, cấp báo tin vui cho vợ yêu Lê Ngọc Hân. 

Các lãnh sự Mỹ, Anh, sáng mồng Một Tết Đinh Hợi (1947) nhìn thấy cành đào tuyệt đẹp và được tiếp các món ẩm thực của Tết Việt Nam đã khâm phục thốt lên: “Kiên trì, kiên trì, các ông sẽ là người chiến thắng”

 Anh hùng - văn hiến - thanh lịch - hào hoa, điều đó đã được người dân Thăng Long ở chốn địa linh của sông núi, có thế “rồng cuốn hổ ngồi”, trải bao cơn binh lửa, chống quân xâm lược và xây dựng kinh thành, đã đắp bồi, tinh luyện, thành khí và chất của người Thăng Long - Hà Nội, để đến thời đại Hồ Chí Minh, có một thế hệ vàng của những tự vệ Thành Hà Nội - tự vệ ca rê đàn giỏi, hát hay, đánh giặc cừ, khiến giặc khiếp vía kinh hoàng.

Và rồi khi mùa xuân về, cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, các chàng thanh niên đã từng học Gia Long, Thăng Long, trường Bưởi… lãng tử đó, vẫn tổ chức một cái Tết dân tộc ngay bên chiến lũy: có đủ cành đào tươi  thắm, bánh chưng xanh tiếp lãnh sự quán các nước ở giữa Liên khu I, tại biệt thự Anh Hoa của cụ lang Ngô Lê Cách, ngay đầu Ngõ Gạch. Đó là khoảnh khắc cái Tết kỳ diệu của người Hà Nội!  

Mang mùa xuân vào Liên khu I 

Tôi đã từng cố gắng đi tìm các nhân chứng lịch sử để tìm xem ai đã mang cành đào rất đẹp từ Nhật Tân vào Liên khu I đêm 29 Tết, nhưng thời gian đã phủ lớp mờ lên những người đã sống gần trăm tuổi. Đội tiếp tế Trúc Bạch - Lãng Bạc, trong đó lực lượng chủ yếu là phụ nữ cứu quốc Yên Phụ như bà Thuần, bà Nhẫn, bà Minh… đã không quản hiểm nguy, đêm đêm đeo ba lô, ruột tượng, vượt qua vọng gác của địch đầu cầu Long Biên, vào tiếp tế và đưa công văn vào Liên khu I… nay cũng về với tổ tiên.

Việc mò kim đáy bể đành tạm gác, cho đến năm 2007, tình cờ, tôi được bà Lê Phương vốn là con gái Kẻ Bưởi nổi tiếng khéo tay dệt lụa, Bí thư Phụ nữ cứu quốc khu Đại La (năm 1946), sau ngày Hà Nội giải phóng, bà làm ở Ban biên tập Báo Công an nhân dân, cho biết: “Bà Cao Thị Nga, lúc đó đang công tác ở khu Trúc - Lãng có thể mách cho cháu biết ai cầm cành đào vào Liên khu I”.

Tôi đến nhà ông Phong (Hội), nguyên Chủ tịch khu Trúc Bạch - Lãng Bạc (gọi  tắt  là  Trúc - Lãng) để tìm hiểu thêm về bà Cao Thị Nga. Sổ tay ghi chép  năm 2007 của tôi vẫn còn nguyên câu chuyện ông Phong kể khi ông đang ở khu tập thể Thành Công: “Hồi đó, tôi là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Trúc - Lãng, anh Vị Hải là Phó Chủ tịch, trực tiếp phụ trách Đội tiếp tế - liên lạc. Cứ chiều chiều, đội tập trung tại một nhà dân ở xóm nhỏ của Quảng An là kho hậu cần của Khu XI, nhận lương thực, thực phẩm công văn, giấy tờ rồi lên đường vào Liên khu I ở 98 Hàng Bạc là nơi anh Bùi Nguyên Cát làm kho hậu cần của Trung đoàn. Gần Tết, tôi nhận được thư của các anh trong Liên khu I gửi ra: “Các cậu gửi vào những thứ cần thiết để chúng tớ ăn Tết cho đàng hoàng”. Vì thế, chúng tôi chuẩn bị gạo nếp, thịt bò, gói giò, bánh chưng, rau tươi khá đầy đủ. Hoa tươi càng không thể thiếu” . 

Xuân này, khi ông đã đi xa, tôi vẫn nhớ dáng ông cao gầy, đi lấy cuốn sổ nhỏ, giấy đã ố vàng, lật tìm… Và giọng ông không giấu nổi  xúc động: “Đây là cuốn sổ quý tôi vẫn giữ từ kháng chiến đến nay. Cháu cứ hình dung cánh đồng Quảng Bá bạt ngàn hoa lay ơn, cúc vạn thọ, thược dược… và bà ấy là bông hoa đẹp nhất trong chiều áp Tết Đinh Hợi. Tờ giấy tôi viết bài thơ tặng bà Nga đã bị mất trên đường kháng chiến, tôi chép lại vào cuốn sổ này. Cánh đồng bạt ngàn hoa đào, lay ơn, cúc, thược dược năm ấy gắn liền với kỷ niệm của tình yêu thời trai trẻ, làm sao tôi quên được. Chị em bó hoa thành từng bó nhỏ để đeo sau lưng cho khỏi hỏng cánh hoa”.

Thì ra bà Hoàng Liên từng công tác ở báo Nhân dân chính là bà Cao Thị Nga đã  tham gia tổ Phụ nữ cứu quốc từ đầu năm 1945 cùng bà Lê Thi (tức Dương Thị Thoa, con gái Giáo sư Dương Quảng Hàm). Kháng chiến bùng nổ, bà Nga từ Bí thư phụ nữ khu Trúc Bạch chuyển sang phụ trách công tác cứu thương của khu Trúc - Lãng. Tình yêu lãng mạn cách mạng trong ngọn lửa chiến đấu như tiếp thêm đôi cánh cho những hồn thơ.

Ông cẩn thận cất cuốn sổ vào tủ rồi chậm rãi nói: “Ai trong Đội tiếp tế mang cành đào đẹp nhất vào Liên khu I, tôi cũng không thể nhớ nữa. Chiều hôm đó, cùng anh Vị Hải đứng trên rặng ổi Quảng Bá, nhìn chị em đeo ruột tượng, ba lô với hoa tươi trên lưng như mang cả mùa xuân vào Liên khu I”.

70 năm đã qua, kể từ mùa xuân Đinh Hợi, nhưng trong mỗi ngõ phố Hà Nội hôm nay, vẫn ẩn chứa những câu chuyện tự hào, bi tráng về ông cha thuở “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung… Hà Nội vùng đứng lên!”. Nghe trong gió xuân lời dặn của tiền nhân: “Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy nghìn thu”.