Hai bố con "của hiếm" làng văn

ANTĐ - Trong làng văn, chuyện hai bố con cùng xuất hiện, cùng ra sách và cùng nổi tiếng một lúc không nhiều. Thế nên trường hợp 2 bố con Nguyễn Thanh Mừng và Nguyễn Trần Thiên Lộc ở thành phố Quy Nhơn mới thành… của hiếm. Năm 2014, bố in 2 tập thơ, còn con ra tay tới liền 3 tập truyện ngắn cho thiếu nhi. 

Gặp Mừng chỉ thấy vui

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng là người rất có duyên kể chuyện tiếu lâm. Toàn những chuyện ngỡ như rất quen thuộc, nhưng qua giọng kể của anh  làm cho mọi người thích thú như mới nghe lần đầu. Cũng vì chính Mừng có một kiểu cười riêng, rất tự nhiên và rất “cả cười” như trong thơ anh đã viết: “Tôi mang rượu đến biên thùy. Hắt lên mây trắng biệt ly cả cười” (Đám cưới Huyền Trân). Đó là tiếng cười sảng khoái, giòn tan. Nghe rất dễ chịu và vui. Nhiều người nói gặp Mừng bao giờ cũng vui là vì thế. 

Hai bố con "của hiếm" làng văn ảnh 1

 Hai cha con Nguyễn Thanh Mừng và Thiên Lộc

Tôi đọc thơ Nguyễn Thanh Mừng cách đây chừng 20 năm. Hồi còn làm ở tòa soạn, thỉnh thoảng tôi đã có dịp đăng và vẫn còn nhớ khổ thơ hay: “Nghìn năm sương khói bời bời. Cuốn ta vào một cuộc chơi thần sầu. Bá quan văn võ đi đâu. Mình nàng đứng trước sân chầu đợi ta” (Vũ nữ Chăm Pa). Thơ lục bát làm vỡ vàng và say đắm như thế hồi đầu thập niên 1990 là một sự lạ. Sau này bài thơ được in vào tập thơ đầu tiên của anh năm 1998, toàn thơ lục bát có nhan đề “Ngàn xưa”. Khi đọc tôi càng bất ngờ với một giọng thơ sảng khoái và đậm chất “võ say” của thi sĩ Bình Định này. Tôi lại thêm một lần nhớ anh qua những câu thơ: “Anh qua bộ lạc trăng tà. Cưỡi voi trắng rúc tù và gọi em” (Lên non). Rồi nữa, tôi lại yêu nét bồng bềnh mặc kệ sự đời: “Bon bon xe đạp cà tàng. Vợ chồng con cái dọc ngang đất trời. Băng qua thế kỷ hai mươi. Cười ngờm ngợp mắt, thở sùi sụt tai” (Những vòng xe đạp)...

Hai bố con "của hiếm" làng văn ảnh 2

Những cuốn sách của hai cha con xuất bản trong năm vừa qua

Thế nhưng, mãi đến năm 2014, chúng tôi mới gặp nhau ở Hà Nội, khi anh cho ra liền 2 tập thơ “Ngữ pháp gió” và “ Ly cà phê đại dương”. Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học, làm việc ở báo Nhân dân dẫn anh đến gặp tôi khá bất ngờ. Nhưng khi anh cười giòn tan sảng khoái và bắt tay thì tôi mới hay kiểu “Cười ngờm ngợp mắt” là đây. Nụ cười ấy tôi nhớ mãi vì nó truyền niềm vui sang mọi người. Chúng tôi cùng ngồi uống rượu. Tôi tợp một chén rồi mở tập thơ, vô tình gặp ngay cái khẩu khí ngông của Nguyễn Thanh Mừng mà nhà thơ Bằng Việt gọi là “cái ngông sang trọng”: “Ngửa đầu uống một kinh thành. Nét mày Phật Thệ vừa thanh thản cười. Giang tay viết giữa mây trời. Câu thơ hào sảng tặng người hào hoa” (Uống nước dừa bên tháp Vijiya). 

Tôi chợt đùa anh rằng lần này uống nước dừa, nên thơ của Mừng không say bằng câu thơ xưa khi mang rượu đến biên thùy. Thì ngay lập tức nhà thơ “cả cười” rất to và đọc ngay những câu thơ ngông để khoe. Tôi lại bị cuốn hút vào hồn thơ của xứ biển này. Anh đọc và tôi nhớ: “Tôi giờ thành gã mục đồng. Lùng mua ráo trọi gàu sòng chợ phiên. Tát vơi sông dại, biển điên. Để tìm vớt lúm đồng tiền Huyền Trân”. Tôi gật gù với chất điên ấy thì anh cạn thêm một ly Vodka rồi đọc tiếp mấy câu thơ về rượu. Rõ là anh say. Tôi mê đi với những nét ngông rất Bình Định: “Mắt còn cậy một hoang vu. Môi còn nương chút phập phù cổ chai”. 

Và đúng như duyên hội ngộ, mới đây có dịp trở lại Quy Nhơn, tôi đến nhà anh. Lần này thì anh rất tỉnh vì vừa đi họp cán bộ thành phố về. Khác hẳn với lúc rượu, nhưng vẫn nụ cười  giòn tan, sảng khoái khi gặp bạn bè. 

Có “của để dành”

Anh có 3 người con, người con trai thứ hai là Nguyễn Trần Thiên Lộc, trẻ tuổi nhưng từ lâu đã âm thầm theo đuổi mộng văn chương của bố mẹ. Lộc viết truyện ngắn cho thiếu nhi từ khi mới 13 tuổi, không hề nói với ai cho tới khi được in cuốn đầu tiên. Riêng năm 2014, Lộc được in liền 3 đầu sách. 

Nguyễn Trần Thiên Lộc tốt nghiệp Hán Nôm, khoa Ngữ văn Đai học Tổng hợp TP.HCM năm 2012. Đúng là gặp Lộc là thấy dáng Mừng. Vô tình gia đình nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gặt hái được một mùa văn chương “no nê”, bởi khi hai bố con ra tới 5 đầu sách, thì nữ sĩ Huyền Trang, mẹ của Lộc cũng được in công trình nghiên cứu về Văn hóa dân gian. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng tự hào nói, Thiên Lộc còn từng là đại biểu tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII năm 2011, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Cùng với đó Thiên Lộc còn đoạt mấy giải thưởng trong thời gian qua. 

Anh chàng Nguyễn Trần Thiên Lộc cứ cặm cụi viết như bị trời đầy, đến nay đã in 7 cuốn truyện cho thiếu nhi. Say mê như bố, chăm chỉ như mẹ và cậu luôn nhớ lời mẹ dạy: “Trước thời gian không phải nhiều lời. Ta đã vượt bao nhiêu rào cản. Bàn tay ấm hơi bàn tay bè bạn. Yêu chân thành, tin cậy - thế là đi!”