Hai Bộ chính thức yêu cầu dừng "kích hoạt não"

ANTD.VN - Sau khi làm việc với Công ty MBM Education, nơi tổ chức các khoá “kích hoạt não” tại nhiều thành phố trong cả nước, đại diện Bộ GD-ĐT đã yêu cầu đơn vị này dừng chương trình cho đến khi được cơ quan chuyên môn cấp phép. 

Hai Bộ chính thức yêu cầu dừng "kích hoạt não" ảnh 1Học viên bịt mắt, đoán màu tại một buổi “kích hoạt não”

Chưa có phép vẫn hoạt động

Như báo ANTĐ đã đưa, để kiểm tra tính pháp lý của các cơ sở “kích hoạt não” , đại diện Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty cổ phần MBM Education, nơi đang tổ chức các lớp “kích hoạt não” cho trẻ tại nhiều thành phố trong cả nước. Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD - ĐT điều tra phía Nam cho biết, Công ty cổ phần MBM Education đã được yêu cầu dừng hoạt động chương trình “kích hoạt não” đến khi chương trình này được cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép. Công ty MBM Education hiện có 8 chi nhánh trên cả nước (3 ở TP.HCM, 3 ở Hà Nội, 1 ở Vũng Tàu và 1 ở Đà Nẵng), hoạt động đào tạo “kích hoạt não” từ tháng 7-2015.

Đại diện công ty MBM Education cho biết, kích hoạt não giữa là chương trình mà MBM Việt Nam đã mua bản quyền từ MBM Global, đưa về nước triển khai, ứng dụng thực tế hơn 1 năm nay. Công ty này đã liên hệ với Sở GD-ĐT TP.HCM để xin cấp phép nhưng khi đó, cơ quan này cho biết vẫn chưa có khung để cấp phép cho chương trình hoạt động. Do vậy, MBM Việt Nam chỉ hoạt động bằng giấy phép của doanh nghiệp do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp. Đến nay, tại TP. HCM, MBM Việt Nam có khoảng 300 học sinh  6-14 tuổi tham gia học chương trình. Theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, các chương trình “kích hoạt não” của trung tâm đã tạm dừng hoạt động để chờ hướng dẫn xin giấy phép.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, về nguyên tắc, một chương trình đào tạo mới phải được cơ quan chuyên môn của bộ, ngành có liên quan thẩm định. Nếu chương trình đã được tổ chức nước ngoài thẩm định thì phải được bộ, ngành trong nước công nhận, rồi mới đến khâu cấp phép. “Nhưng đến nay Sở chưa nhận được bất kỳ văn bản nào xin cấp phép của các trung tâm kích hoạt não” - ông Hoàng khẳng định.

Chưa có bằng chứng khoa học

Đại diện Cục Khoa học  công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cũng khẳng định cho đến thời điểm này, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo chưa nhận được hồ sơ nào xin thẩm định, thử nghiệm về “kích hoạt não”. Theo một chuyên gia, não là cơ quan rất phức tạp, nếu tác động, can thiệp không đúng có thể phản tác dụng. Chưa có công trình khoa học nào tại Việt Nam chứng minh có thể can thiệp não bộ để người bình thường trở thành một thiên tài. Ngoài ra, vị này cũng cho biết không phải kỹ thuật, biện pháp nào xin thử nghiệm lâm sàng cũng được Bộ Y tế chấp nhận.

Chia sẻ với báo chí, GS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cơ quan y tế Hà Nội và TP.HCM đều có mặt trong đoàn kiểm tra các lớp “kích hoạt não” thành thiên tài gây xôn xao dư luận thời gian qua. Khi đoàn kiểm tra đến, tại các cơ sở này không hề có máy móc, thiết bị gì. Thay vào đó tại những lớp học này, trẻ được bịt mắt để sờ các thẻ bài nhiều màu sắc, sau đó cho trẻ sắp xếp các thẻ cùng màu với nhau và theo số thứ tự hoặc bịt mắt, dùng tay rà qua các chữ để đọc... “Những phương pháp này là hoang tưởng, hoang đường. Hành vi này có dấu hiệu lừa đảo. Người dân cả tin nghe theo thì mất tiền, mất thời gian, còn không có cơ sở khoa học gì để khẳng định hiệu quả kích thích trí não phát triển từ những phương pháp trên”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến trả lời báo chí.

Các chuyên gia giáo dục và y tế được hỏi đến thời điểm này đều khẳng định, các bà mẹ mong muốn con được học tốt nhất, thông minh nhất là những mong muôn chính đáng. Nhưng để đạt được điều này, trẻ cần được học theo những phương pháp giáo dục đã được khoa học chứng minh là hiệu quả.