HAGL phát điện và ra mẻ đường đầu tiên tại Lào

ANTĐ - Chiều 17-1, Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu tại huyện Phu Vông trực thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức ra mẻ đường đầu tiên và phát điện thử lên lưới quốc gia Lào thông qua việc đốt bã mía nguyên liệu phục vụ cho nhà máy đường.

Theo ông Nguyễn Quang Ánh, Giám đốc Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu trong vài ngày tới, nhà máy sẽ cho xuất xưởng những mẻ đường tinh luyện đạt chất lượng cao, theo tiêu chuẩn chung của quốc tế.

Nhà máy sản xuất đường của HAGL tại Lào

Được biết, công trình nhà máy mía đường được xây dựng với tổng mức đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.100 tỉ đồng Việt Nam) bao gồm nhà máy chế biến mía đường có công suất 7.000 tấn/ngày, nhà máy nhiệt điện công suất 30MW, nhà máy Ethanol công suất 30.000 tấn/năm, nhà máy phân bón công suất 50.000 tấn/năm sẽ phục vụ vùng nguyên liệu mía với 12.000 ha, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động tại địa phương.

Đóng gói đường trắng tại nhà máy ở Lào

Như vậy sau chưa đầy 14 tháng khởi công xây dựng Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu đã chính thức hoàn thành và đưa vào hoạt động  2 hạng mục nhà máy đường và nhà máy nhiệt điện, riêng hai hạng mục nhà máy Ethanol và nhà máy phân bón dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối qúy  I-2013. 

Cụm công nghiệp mía đường đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Attapeu. Nó có thể tạo ra kim ngạch xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu USD/năm và tạo ra việc làm lên đến 4.000 người riêng cho dự án này đồng thời đóng góp ngân sách cho tỉnh một cách đáng kể đưa Attapeu trở thành một tỉnh công nghiệp chế biến và phát triển bền vững trong tương lai.

Phòng điều khiển nhà máy điện công suất 30MW tại tỉnh Attapeu, Lào

Với việc đầu tư vào lĩnh vực mía đường có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo vì cây mía chỉ trồng từ 10-12 tháng là thu hoạch. Nhà máy HAGL sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.

Ông Nguyễn Quang Ánh, Giám đốc Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu nhấn mạnh: Với sự hỗ trợ của tập đoàn HAGL về kỹ thuật, giống và đầu tư trang thiết bị, tôi tin tưởng rằng người dân Attapeu có thể biến những thửa ruộng xưa nay canh tác lạc hậu, giá trị thu hoạch từ 300-400 USD/hecta mỗi năm thành những vườn mía đạt năng suất từ 100 tấn/hecta/năm trở lên và giá trị đạt 5.000-6.000 USD/hecta/năm. Đây có thể nói là cuộc cách mạng nông nghiệp thật sự biến những vùng nông thôn nghèo khó, không có ăn, không có nhà ở, chỉ sống bằng nghề săn bắn hái lượm”.