“Đại án” tham nhũng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương:

Hà Văn Thắm âm mưu thôn tính ngân hàng khác như thế nào?

ANTD.VN - Trước sự quyết liệt chỉ đạo của Trung ương về phòng chống tham nhũng, mới đây hồ sơ vụ “đại án” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương đã được chuyển tới VKS để thực hiện các bước tố tụng tiếp theo. Nhân đây, Báo ANTĐ xin nêu ra một phần trong chuỗi tội phạm của Hà Văn Thắm cùng đồng phạm.

Giải ngân 500 tỷ đồng nhẹ như bấc

Với kết luận vụ “đại án” của CQĐT – Bộ Công an, Hà Văn Thắm (SN 1972, HKTT tại phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) vốn là Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Thời điểm Thắm bị bắt phục vụ công tác điều tra, OceanBank có số vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ. Và chỉ riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã góp 20% trong số 4.000 tỷ đồng. 

Ở vụ án này, bị can Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố cùng lúc về 3 tội là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Cố ý làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, lần lượt theo các Điều 179, 281, 165 – BLHS. 

Cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank - Hà Văn Thắm thời điểm chưa can án

Kết quả điều tra cho thấy, trong hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu thì chỉ riêng đối với Phạm Công Danh, OceanBank đã bị “dính” tới 500 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Trung Dung (địa chỉ tại TP HCM, gọi tắt là Công ty Trung Dung) được thành lập vào cuối năm 2010 với thành viên duy nhất là ông Trần Văn Bình. Khi ấy, ông Bình là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh, do Phạm Công Danh đứng đầu. 

Theo đăng ký kinh doanh, Công ty Trung Dung có vốn điều lệ là 250 tỷ đồng và chỉ do một mình vị Tổng giám đốc doanh nghiệp đóng góp. Thế nhưng ngày 23-11-2012, Công ty Trung Dung vẫn ký được hợp đồng tín dụng vay của OceanBank 500 tỷ đồng với mục đích là mua QSDĐ tại sân vận động Chi Lăng, TP Đà Nẵng.

Để vay món tiền đặc biệt lớn nêu trên, Công ty Trung Dung đưa ra các tài sản bảo đảm gồm: 250 tỷ đồng vốn điều lệ của doanh nghiệp, quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở tại TP HCM và 5.877.979  cổ phần ở Công ty CP tập đoàn SSG của nhóm bà Hứa Thị Phấn (trú tại TP HCM) với giá trị tương đương hơn 176 tỷ đồng.

Cùng ngày ký hợp đồng tín dụng, OceanBank cũng lập tức giải ngân cho Công ty Trung Dung 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối tháng 12-2012, toàn bộ số tiền này được Phạm Công Danh rút ra để trả nợ cho nhóm bà Hứa Thị Phấn. Lý do hạch toán cả 500 tỷ đồng mà Công ty Trung Dung vay mượn được Danh xác định là trả tiền mua cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi thành Ngân hàng Xây dựng) đối với nhóm bà Phấn.  

Và mưu đồ thôn tính bất thành

Về hoạt động cho vay mượn tiền nêu trên, nhìn qua thì khó thấy được những lắt léo cũng như sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Hà Văn Thắm cùng đồng phạm. Thế nhưng kết quả điều tra đã chứng minh, đằng sau hoạt động tín dụng tưởng chừng rất bình thường này lại là một mưu đồ thôn tính ngân hàng “vô tiền khoáng hậu” của cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank.

Cụ thể, khoản tiền 500 tỷ đồng mà Công ty Trung Dung vay mượn của OceanBank thực chất là Phạm Công Danh vay để trả nợ việc mua cổ phần của nhóm bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín. Cũng chính vì thế mà Công ty Trung Dung cũng như Phạm Công Danh đã nhanh chóng mất hết khả năng thanh toán.

Một phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Đại Tín khi chưa chuyển nhượng

Tài liệu điều tra xác định, thời điểm OceanBank cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, Thắm là người giữ quyền cao nhất tại tổ chức tín dụng này và kiêm thêm chức Chủ tịch Hội đồng tín dụng. Ở vị thế đó, Thắm đã dùng quyền lực của bản thân ký quyết định ban hành quyết nghị về cho vay tín dụng, đồng thời chỉ đạo hàng loạt nhân viên dưới quyền thực hiện việc giải ngân 500 tỷ đồng.

Sở dĩ Thắm bất chấp các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng là vì năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập một số ngân hàng TMCP yếu kém, trong đó có Ngân hàng Đại Tín mà nhóm bà Hứa Thị Phấn nắm giữ phần lớn cổ phần tại đây.

Biết được chủ trương quan trọng đó, Thắm gặp gỡ và ép bà Phấn phải bán lại Ngân hàng Đại Tín cho đối tượng nếu không những sai phạm của HĐQT cũng như cá nhân bà Phấn sẽ bị phơi bày ra ánh sáng. Vì thế mà ngày 23-2-2012, bà Phấn buộc phải chỉ đạo cháu họ (khi đó giữ chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) bán cho Thắm tổng cộng 254.751.970 cổ phần (tương đương 84,92% vốn điều lệ) tại Ngân hàng Đại Tín.

Có được hợp đồng thôn tính tổ chức tín dụng khác trong tay, Thắm lập tức “cài cắm” người vào Ngân hàng Đại Tín để chuẩn bị cho việc sáp nhập với OceanBank. Dù vậy, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương lại không chịu trả tiền mua cổ phần cho nhóm bà Phấn. Đáp trả, người đàn bà ở TP HCM cũng “nắn gân” lại Thắm bằng việc sẽ đưa vụ việc mua bán cổ phần “chui” ra cơ quan chức năng.

Cùng với lý do trên, sau một thời gian “cài người” vào Ngân hàng Đại Tín, Thắm nhận thấy rất khó để thôn tính tổ chức tín dụng này phần vì nợ xấu quá nhiều, phần vì mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn với nhóm cổ đông nên cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank liền “đẩy quả bóng” sang Phạm Công Danh.

Theo đó, qua Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc OceanBank, Thắm quen biết với Danh, khi ấy đang là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh. Trao đổi về vụ mua bán Ngân hàng Đại Tín với nhóm bà Phấn, Danh lập tức đồng ý. Đổi lại, Thắm sẽ nhận được khoản tiền môi giới lên đến 800 tỷ đồng.

Trong khi ấy, biết rõ bà Phấn sẽ không dễ dàng sang tên tổ chức tín dụng cho Danh nên Thắm tiếp tục dùng sức ép buộc người phụ nữ này phải thực hiện cuộc giao dịch không mấy mong đợi. Và rồi ngày 9-10-2012, bà Phấn đại diện cho nhóm cổ đông đã buộc phải ký bán 252.110.151 cổ phần ở Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh. Từ đây, Ngân hàng Đại Tín được mang tên mới là Ngân hàng Xây dựng.

Sự việc sau đó mới dẫn tới ngày 23-11-2012, Thắm chỉ đạo nhân viên cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Trên thực tế, doanh nghiệp này do chính Danh lập ra và nhờ nhân viên lái xe đứng tên làm người đại diện công ty với mục đích duy nhất là chỉ để hợp thức hóa thủ tục vay mượn tiền bạc.

Oái oăm hơn nữa là sau đó Thắm không nhận được khoản tiền 800 tỷ đồng môi giới mua bán ngân hàng và số tiền vay từ OceanBank cũng không được Danh dùng để chi trả cho việc mua bán cổ phần mà nó được sử dụng để trả thay cho bà Phấn các khoản nợ nần ở Ngân hàng Đại Tín.

Đối với các tài sản bảo đảm cho tiền 500 tỷ đồng ở Ngân hàng CPTM Đại Dương, quá trình điều tra xác định, chúng không có thực, không có tính pháp lý và chưa đủ giá trị đối với khoản vay… Với hành vi gây ra, Hà Văn Thắm cùng một số thuộc cấp bị CQĐT kiến nghị truy tố, xét xử về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Điều 179-BLHS.