Hà Nội yêu cầu hạn chế sử dụng thức ăn chăn nuôi chưa qua xử lý nhiệt để phòng dịch tả lợn châu Phi

ANTD.VN - Chiều 19-3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Báo cáo Chủ tịch UBND TP, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, tính đến ngày 18-3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 30 hộ chăn nuôi ở 14 xã thuộc 6 quận, huyện (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai). Tổng số lợn bị tiêu huỷ là 765 con với tổng trọng lượng 48.441kg.

Dịch tả lợn châu Phi hầu hết xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa xuất hiện tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn dư thừa tận dụng từ nhà hàng, quán ăn trong điều kiện không thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh đối với người, phương tiện, dụng cụ.

Theo Sở NN&PTNT, dịch tả lợn châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao do có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường, dụng cụ chăn nuôi.

Trong khi đó, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao, đan xen trong khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh...

Bên cạnh đó, một số bất cập trong hoạt động phòng, chống bệnh dịch hiện nay tại các địa phương cũng đang tạo ra nguy cơ lây lan. Lực lượng tham gia hoạt động xử lý tiêu hủy lợn chưa được trang bị đầy đủ bảo hộ và chưa thực hiện đầy đủ quy trình khử trùng phương tiện, dụng cụ khi ra, vào nơi có bệnh dịch.

Trước diễn biến lây lan của dịch tả lợn châu Phi, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch lây lan. Đặc biệt, công tác hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ được TP chỉ đạo sát sao.

Đến nay, các quận, huyện có dịch tả lợn châu Phi đang thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. Thời gian thực hiện hỗ trợ chỉ từ 5 – 7 ngày, với mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phân tích, thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho bệnh dịch tả lợn châu Phi phát triển.

Do đó, các giải pháp sắp tới cần tập trung 4 việc: Theo dõi thường xuyên liên tục khu vực xung quanh các ổ dịch; tiếp tục tuyên truyền quyết liệt hơn nữa để người dân hiểu, không tẩy chay thịt lợn, hộ chăn nuôi không bán chạy, bán tháo lợn; chủ động bố trí trang thiết bị, vật tư, phương tiện, bao gồm cả việc hỗ trợ cán bộ làm công tác phòng chống dịch...

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đặc biệt nhấn mạnh, nếu không kiểm soát kịp thời, dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội, từ kinh tế đến tâm lý người dân.

Chủ tịch UBND TP nhắc lại yêu cầu các địa phương cần vào cuộc quyết liệt trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ những nguy cơ. Theo đó, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là tập trung tuyên truyền để các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ nhỏ lẻ biết, chủ động phòng tránh trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học; phổ biến rộng rãi các biểu hiện về dịch bệnh để người dân biết.

Cụ thể hơn, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức mua và chuyển giao thiết bị cho các địa phương thực hiện công tác tiêu huỷ lợn bệnh; về tiền xét nghiệm lợn có dấu hiệu bị bệnh, các huyện khẩn trương chi trong kinh phí dự phòng.

Các đơn vị thực hiện chế độ cho cán bộ làm công tác phòng chống dịch tả lợn theo Quyết định 1844/QĐ-UBND của UBND TP; Đồng thời, trang bị bảo hộ cho cán bộ làm công tác tiêu huỷ lợn theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT Hà Nội.

Sở NN&PTNT cập nhật giá thị trường để thông báo đến các quận, huyện, làm căn cứ thực hiện chi trả cho người dân. Đồng thời, thông báo cho người dân biết, tránh những trường hợp vi phạm quy trình xử lý việc đền bù hỗ trợ…

Đối với các địa bàn chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị phải phổ biến các biện pháp chăm sóc, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thức ăn tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, chưa qua xử lý nhiệt. Cần làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại; tuyên truyền để người dân không “tẩy chay” thịt lợn.

Toàn bộ kinh phí thực hiện công tác phòng chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi, các quận, huyện chủ động trích từ kinh phí dự phòng thiên tai dịch bệnh. Nếu còn thiếu thì trình Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định, bảo đảm không thiếu kinh phí và khống chế dịch tả lợn trong thời gian sớm nhất.

Về việc phòng chống dịch sốt xuất huyết, Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng dịch theo đúng kế hoạch; sẵn sàng con người, phương tiện cho mọi tình huồng đặc biệt trong thời điểm giao mùa; phấn đấu không để xảy ra dịch...

Từ kinh nghiệm vụ việc các em nhỏ bị nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức hội nghị giao ban, quán triệt nghiêm túc nhiệm vụ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Cần chỉ đạo các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm công khai, minh bạch trong quá trình đưa thực phẩm vào trường học để tập thể ban giám hiệu, phụ huynh học sinh, cùng được biết. Phải tránh việc chỉ có hiệu trưởng nhà trường biết về đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường học. 

Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhắc nhở các trường học cần thành lập ban giám sát về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cũng như giá cả thực phẩm đưa vào trường học; Tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học và bảo đảm nguồn dinh dưỡng cân đối, đầy đủ cho trẻ. 

Khi không may xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm, các đơn vị liên quan, đặc biệt là trung tâm y tế, bệnh viện, địa phương phải chung tay chữa chạy kịp thời, sớm ổm định sức khoẻ cho người bệnh.