Hà Nội xây dựng kịch bản chi tiết để học sinh sớm quay lại trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Nghị quyết 128 Chính phủ vừa thông qua là điều kiện để thành phố xây dựng kịch bản chi tiết cụ thể để học sinh sớm quay lại trường.
2,1 triệu học sinh Hà Nội cần có kịch bản cụ thể khi trở lại trường học

2,1 triệu học sinh Hà Nội cần có kịch bản cụ thể khi trở lại trường học

Năm học 2021-2022, Hà Nội có khoảng 2,1 triệu học sinh các cấp. Sau một thời gian dài hơn 5 tháng tạm dừng đến trường, việc cho phép học sinh đến trường trở lại đang là mong muốn của đa số phụ huynh và các nhà trường, nhất là tại nhiều quận, huyện không phát hiện trường hợp dương tính SARC-Cov-2 nhiều ngày nay.

Về kế hoạch mở cửa trường học trong tình hình mới, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội trả lời báo chí rằng việc mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm phòng sẽ không đảm bảo an toàn. Khi mở cửa mà không đảm bảo điều này, nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng.

Được biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để học sinh trở lại trường. Trong đó, phương án được đánh giá khả thi nhất là cho những khối lớp đầu và cuối cấp đi học trước, sau đó mở cửa dần. Dự kiến, các quận, huyện thuộc "vùng xanh", ít nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ mở cửa trước. Đây cũng là ý kiến được đông đảo giáo viên, lãnh đạo Phòng GD-ĐT các quận, huyện tán thành.

Cũng theo ông Trần Thế Cương, Nghị quyết 128 Chính phủ vừa thông qua là điều kiện để thành phố, Sở GD-ĐT xây dựng kịch bản chi tiết cụ thể để học sinh sớm quay lại trường.

TP Hà Nội đã giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát, hướng dẫn phòng chống Covid-19 trong hoạt động giáo dục đào tạo. Hà Nội yêu cầu thực hiện các giải pháp thực hiện năm học 2021-2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa phương; Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn và phân giao vắc xin của Bộ Y tế.

Được biết, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra các giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Giải pháp đầu tiên được Bộ tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc phải kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có xử lý cho phù hợp.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh.

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng qua truyền hình cho nhiều khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2. Hệ thống bài giảng này sẽ là nguồn học liệu mở được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học trực tiếp.

Bên cạnh việc ban hành chương trình dạy học cốt lõi để sử dụng trong cả điều kiện học sinh học trực tuyến và khi đã trở lại trường học, một giải pháp khác cũng được Bộ trưởng nhắc tới, đó là thời gian qua, nhiều hoạt động đã được thực hiện nhằm hướng dẫn cho học sinh năng lực tự học.

Đây vừa là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, song cũng vừa là để thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu tài liệu của học sinh.

“Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng: Trong việc củng cố kiến thức cho học sinh, vai trò của phụ huynh, gia đình, người thân, xã hội, các tổ chức hỗ trợ rất quan trọng. Vì vậy, để thực hiện được cần phải tính đến các giải pháp tổng hợp.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, củng cố kiến thức cho học sinh không chỉ được ngành Giáo dục thực hiện trong năm học 2021-2022 mà sẽ còn được tiếp tục ở những năm tiếp theo. Để hỗ trợ giáo viên thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GD-ĐT sẽ biên soạn các tài liệu nhằm lưu ý về một số kỹ năng cho giáo viên khi dạy củng cố kiến thức cho học sinh.

Được biết, để sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu những địa phương đã huy động cơ sở vật chất trường học để phục vụ phòng chống dịch, căn cứ tình hình dịch bệnh, nơi nào không nhất thiết phải sử dụng các cơ sở giáo dục thì sớm tu sửa, củng cố thêm một bước hạ tầng thông tin phục vụ học tập; đảm bảo khi dịch đi qua, học sinh có môi trường học khang trang, sạch sẽ, đáp ứng được yêu cầu học tập.