Hà Nội vẫn có Trục Hồ Tây - Ba Vì

ANTĐ - Chiều qua, 26-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch dự báo, đến năm 2020, dân số Hà Nội khoảng 7,3 đến 7,9 triệu người; năm 2030 đạt 9,0 đến 9,2 triệu người. Đặc biệt, tới năm 2050, Hà Nội vươn lên thành siêu đô thị với dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người.

Đặc biệt, đồ án quy hoạch nêu rõ, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình. Cùng với đó, sẽ rà soát, di dời trụ sở một số cơ quan Trung ương ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây; ưu tiên vị trí tại Tây Hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan Trung ương làm việc. Trong khi đó, trụ sở cơ quan Thành ủy, HĐND, UBND TP phải bố trí tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc (có chức năng chính về khoa học - công nghệ và đào tạo); Sơn Tây (đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng); Xuân Mai (dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề); Phú Xuyên (công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa) và Sóc Sơn (phát triển dịch vụ, khai thác cảnh quan). Các thị trấn sẽ phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn, huyện lỵ hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn...

Đồ án Quy hoạch cũng cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng mới 8 cầu và hầm vượt sông Hồng. Ngoài ra, sẽ có thêm 3 cầu vượt sông Đuống; 2 cầu vượt sông Đà.

Trục Hồ Tây – Ba Vì, một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong quá trình nghiên cứu Đồ án Quy hoạch chung đã được làm rõ. Theo đó, Trục Hồ Tây – Ba Vì được xác định nằm trong 9 trục giao thông xây dựng mới, kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng.

Tin cùng chuyên mục