Dấu ấn chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020:

Hà Nội: Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến cuối năm 2020, Hà Nội có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đứng đầu cả nước. Diện mạo khu vực nông thôn cũng thay đổi vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,67 lần năm 2015…

* Hơn 60.000 tỷ đồng đầu tư, nông thôn Hà Nội dẫn đầu cả nước

Đó là những con số vô cùng ấn tượng mà Hà Nội đã đạt được nhờ triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra thực hiện Chương trình 02 tại huyện Thạch Thất (Hà Nội)

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra thực hiện Chương trình 02 tại huyện Thạch Thất (Hà Nội)

Diện mạo và đời sống người dân nông thôn “lột xác”

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tổng kinh phí đã huy động để triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy từ năm 2016 đến nay khoảng 56.513 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đạt gần 4.813 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn là số kinh phí này đã được đầu tư hiệu quả để giúp xây dựng mới hàng trăm trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, cũng như quy hoạch xây dựng nông thôn mới đồng bộ, phù hợp với quá trình đô thị hóa...

Đặc biệt, để cụ thể hóa mục tiêu nâng cao đời sống cho người nông dân, Hà Nội đã sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các sản phẩm chủ yếu để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Kết quả, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 của thành phố đạt mức tăng trưởng và phát triển ổn định. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng bình quân 2,54%/năm. Giá trị sản xuất đạt hơn 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015.

Gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội cũng đạt được nhiều thành tựu. Hiện cả nước có 1.760 sản phẩm được công nhận OCOP thì riêng Hà Nội đã chiếm 17%. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội với chất lượng cao, mẫu mã đẹp đã và đang có uy tín trên thị trường và trở thành động lực trong phát triển kinh tế nông thôn. Thành phố đang tiếp tục phấn đấu đến hết năm 2020 có 1.000 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP…

Kinh tế phát triển kéo theo đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn Hà Nội đến nay ước đạt 55 triệu đồng/người/ năm, gấp 1,67 lần năm 2015.

Một số huyện có thu nhập bình quân cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 60 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 55 triệu đồng/người/năm... Công tác an sinh xã hội được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn liên tục giảm qua các năm, dự kiến đến hết 2020 chỉ còn 0,5% theo chuẩn mới, riêng 3 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức) không còn hộ nghèo.

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, đến cuối năm 2020, thành phố có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,5%. So với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra, các kết quả trong xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành trước hạn 2 năm, đưa Hà Nội đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời đã xây dựng được 15 xã nông thôn mới nâng cao.

Mặc dù vậy, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cũng chỉ ra một số hạn chế như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế... Vì thế, việc tiếp tục triển khai Chương trình số 02-CTr/TU trong giai đoạn mới 2021 - 2025 là hết sức cần thiết.

Vươn lên tầm cao mới

Đánh giá về kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình số 02 giai đoạn 5 năm qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-Ctr/TU nhấn mạnh, dẫu có khó khăn nhưng Hà Nội luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Từ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của thành phố đến các địa phương, cơ sở đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là ý thức của cộng đồng được nâng cao, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, góp tiền của, ngày công làm đường và các công trình phúc lợi xã hội; tôn tạo không gian văn hóa, gìn giữ vệ sinh môi trường...

Cũng không thể không nhắc đến việc Hà Nội đã triển khai linh hoạt, sáng tạo chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế của mỗi địa phương. Đặc biệt, coi trọng công tác quy hoạch, xác định quy hoạch phải đi trước một bước gắn với quản lý quy hoạch chặt chẽ, hiệu quả; xây dựng nông thôn mới đồng bộ, bền vững, theo hướng tiệm cận đô thị, đáp ứng yêu cầu quá trình đô thị hóa nhanh tại Thủ đô. Cùng đó, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn, qua đó tạo tiềm lực và động lực để thúc đẩy phát triển.

Từ những kết quả đã đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, giai đoạn 5 năm tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Mục tiêu là phấn đấu năm 2025 tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố chiếm trên 70%, hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản…

Cũng theo Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2021 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến 2025 có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu... “Đích đến cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân” - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.