“Hà Nội trong mắt ai”

(ANTĐ) - Từng ngày, đều đều và chính xác, chiếc đồng hồ đếm ngược gần đền Bà Kiệu vẫn cần mẫn hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng báo hiệu giờ phút Đại lễ chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1.000 tuổi đang cận kề. Những ngày cuối đông nắng hửng nhẹ, đối với mỗi người Hà Nội niềm hân hoan, tự hào mừng sinh nhật nghìn năm đất Kinh kỳ nghe như đã thấm đượm trong tâm hồn hơn bao giờ hết.

“Hà Nội trong mắt ai”

(ANTĐ) - Từng ngày, đều đều và chính xác, chiếc đồng hồ đếm ngược gần đền Bà Kiệu vẫn cần mẫn hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng báo hiệu giờ phút Đại lễ chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1.000 tuổi đang cận kề. Những ngày cuối đông nắng hửng nhẹ, đối với mỗi người Hà Nội niềm hân hoan, tự hào mừng sinh nhật nghìn năm đất Kinh kỳ nghe như đã thấm đượm trong tâm hồn hơn bao giờ hết.

Và niềm tự hào đó như sợi duyên khiến tôi vô tình bị cuốn hút bởi một poster phim với cái tên vốn nghe rất quen mà cũng tựa hồ như chưa bao giờ xem: “Hà Nội trong mắt ai”. Bộ phim mở đầu với tiếng ghi ta trong trẻo của người nhạc sĩ khiếm thị Văn Vượng khi ông mới chỉ là chàng trai tuổi đôi mươi trong căn nhà nhỏ phố Hàng Giấy.

Tiếng nhạc cất lên, nhẹ nhàng đưa người xem đến với hình ảnh Hà Nội những năm 80. Mượn niềm khao khát cháy bỏng được một lần nhìn thấy cảnh trí Hà Nội của chàng nhạc sĩ mù ấy, đạo diễn NSND Trần Văn Thủy đã miêu tả vẻ đẹp của từng con đường, hàng cây, từng thắng cảnh của Thủ đô; đã kể lại câu chuyện những danh nhân, tích lịch sử thiêng liêng gắn với mảnh đất rồng bay ngàn năm văn hiến.

Khi những phút phim đầu tiên được chiếu, đôi điều về sự ra đời của bộ phim này cũng được khá nhiều khán giả quan tâm. Khoảng thập niên 80, đạo diễn Trần Văn Thủy nhận được kịch bản phim Hà Nội năm cửa ô với nội dung mô tả vẻ đẹp du lịch Hà Nội với những cảnh phố cũ nối phố mới, làng nghề truyền thống nhộn nhịp. Nhưng sau khi đi điều tra, thực tế ông thấy nên làm thành một bộ phim để tôn vinh những giá trị tinh thần, lịch sử vĩnh cửu của dân tộc. Từ đó, “Hà nội trong mắt ai” thuộc thể loại phim tài liệu đã được đoàn làm phim thai nghén và sản xuất.

Với lời bình truyền cảm trầm ấm, một loạt hình ảnh lần lượt trả lời cho câu hỏi: “Thăng Long có gì để mà thương mà nhớ?” đầu phim được bày ra trước mắt người xem. Qua những thước phim cũ, câu chuyện về Thủ đô gợi mở từ hình ảnh cây tháp bút “Tả Thanh Thiên” của nhà thơ Nguyễn Siêu, hình ảnh nêu lên cái chí của kẻ sĩ Bắc Hà, đến ngôi chùa Một Cột cổ kính, cầu Thê Húc đỏ son cong cong, Ô Quan Chưởng tất nập người bán buôn, kẻ gánh gồng hay những ngõ phố nhỏ bình yên hòa hợp cùng tâm hồn yêu phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

“Hà Nội trong mắt ai” là chuỗi hình ảnh trong trẻo và bình dị nhất về Thủ đô; là những hình ảnh đã thuộc về quá khứ và mang xúc cảm tựa hồ nuối tiếc. Song nếu chỉ đơn thuần là ghi lại những cảnh trí đẹp của Thủ đô thì năm 1988 “Hà Nội trong mắt ai” chắc chắn đã không thể được nhận giải Bông sen Vàng dành cho phim tài liệu Việt Nam hay nhất. Bộ phim “sống” bởi nó truyền tải và nhắc nhở thế hệ sau quý trọng những giá trị lịch sử, truyền thống cổ xưa của ông cha.

Nhờ đó, người xem không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp mờ ảo sương giăng của hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) mà còn được biết nơi đây hẹn duyên của biết bao nữ sĩ nổi tiếng như: Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan... Được gợi nhớ tích cổ liên quan đến các vị vua xưa, nghe câu chuyện đình Quản Văn (vườn hoa Cửa Nam bây giờ) với chiếc trống kêu oan Đăng Văn thời vua Lê Thánh Tông hay chuyện chùa Kim Liên mà nơi dựng vốn là cung của công chúa Từ Hoa con gái vua Lý Thần Tông và Trại Tầm Tang nơi nàng công chúa này về dạy dân trồng dâu nuôi tằm sau mới đổi tên thành làng Nghi Tàm ngày nay.

Còn biết bao câu chuyện lịch sử liên quan đến những danh nhân đất Thăng Long khác như Nguyễn Trãi một đời nặng lòng vì dân vì nước, Chu Văn An với sớ “thất trảm”, Ngô Thì Nhậm bởi hào khí kẻ sĩ mà bị Đặng Trần Thường đánh đến chết, hay Tô Hiến Thành quên tình riêng vì đại sự quốc gia... được gợi lại chỉ vẻn vẹn trong có khoảng 45 phút. Ngắn ngủi là thế, nhưng những thước phim của đạo diễn Trần Văn Thủy đã khiến nhiều khán giả không khỏi xúc động về chiều dài lịch sử của Thủ đô văn hiến.

Ngày kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi đang ngày một đến gần, có lẽ những giá trị lịch sử, nghệ thuật của bộ phim lại càng đáng được đánh giá và cảm nhận một cách sâu sắc, rộng rãi trước công chúng. Sau gần 30 năm, “Hà Nội trong mắt ai” không chỉ còn nguyên tính thời sự mà còn góp phần tôn vinh thêm niềm kiêu hãnh tự hào về đất Thăng Long hào hoa, địa linh nhân kiệt trong tâm khảm mỗi con người Thủ đô.

Đỗ Mai