Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Đúng vào ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, tối 20-11 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành ủy- Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, đã trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An (1370-2020),  nhà giáo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, người con ưu tú của Thăng Long - Hà Nội .

Tới dự buổi lễ về phía các cơ quan Trung ương có Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung.

Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại lễ kỷ niệm

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, trong hành trình xây đắp nền văn hóa dân tộc, các danh nhân, các nhân vật văn hoá luôn để lại những dấu ấn mang tính lịch sử quan trọng. Họ thực sự là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc “mang vác những giá trị tiêu biểu của một nền văn hóa” tiên tiến, đậm đà bản sắc. Danh nhân Chu Văn An là người có đóng góp quan trọng đối với văn hóa, giáo dục Đại Việt ở thế kỷ XIV và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ người Việt Nam sau này. Ông là tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và tinh thần, trách nhiệm với dân tộc và đất nước.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Chu Văn An đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn của người Việt Nam. Đức hạnh và uy tín của ông ảnh hưởng sâu rộng tới mức các thế hệ sau đều tôn ông là "Người thầy muôn đời". Sự kiện UNESCO thông qua hồ sơ danh nhân Chu Văn An, tôn vinh Thầy Chu Văn An là nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thành phố Hà Nội – quê hương của danh nhân Chu Văn An mà còn đối với cả nước ta, đặc biệt là ngành Giáo dục đào tạo.

Trích đoạn sân khấu "Học trò thủy thần" do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội thể hiện

Trích đoạn sân khấu "Học trò thủy thần" do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội thể hiện

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An chính là dịp để nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh người thầy giáo tiêu biểu của Việt Nam. Là dịp chúng ta tiếp tục khẳng định những giá trị tinh thần to lớn danh nhân Chu Văn An để lại cho đời sau, cho thế hệ hôm nay, là di sản văn hóa quý báu, động lực quan trọng cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước. Gương sáng Thầy Chu Văn An sẽ luôn chiếu rọi rạng ngời trong tâm thức con người Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, cùng Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình hội nhập quốc tế và xu thế phát triển của thời đại.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft đã đưa ra những nhận xét hết sức thấu đáo về nhân cách và tư tưởng của thầy Chu Văn An. Ông cho rằng, chúng ta đều biết những câu chuyện xung quanh cuộc đời của nhà giáo Chu Văn An chính là nguồn cảm hứng bất tận của dân tộc bởi những câu chuyện đó đề cao tầm quan trọng của giáo dục, của sự liêm chính hay sự công bằng. Thật vậy, những triết lý và hành động của nhà giáo vẫn vang vọng mãi với chúng ta ngày hôm nay.

Nhà giáo Chu Văn An đã sống với chính những tôn chỉ mà người đã luôn truyền đạt lại cho các thế hệ học trò. Ông hiểu hơn ai hết rằng nếu kiến thức không đi đôi với thực hành thì kiến thức sẽ chỉ là một món quà lãng phí, và rằng, chỉ có bằng thực hành, chúng ta mới có thể hướng tới sự liêm chính.

Là hậu duệ đời thứ 26 của danh nhân Chu Văn An, ông Chu Văn Tài đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố Hà Nội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thời gian qua đã quan tâm chỉ đạo xây dựng hồ sơ danh nhân Chu Văn An đề nghị UNESCO cùng kỷ niệm và tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân 650 năm ngày mất của cụ. Đây là niềm vinh dự, tự hào rất lớn đối với dòng họ và những con cháu của danh nhân Chu Văn An, đã bao đời nay gắn bó với mảnh đất nơi thầy đã sinh ra, lớn lên và có nhiều dấu ấn sâu sắc trước khi về Thăng Long làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Trích đoạn sân khấu "Thất trảm sớ"

Trích đoạn sân khấu "Thất trảm sớ"

Ông Chu Văn Tài cho biết: “Trong tâm thức của chúng tôi, cụ Chu Văn An là người con của quê hương Thanh Liệt với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Chúng tôi thường được các thế hệ đi trước truyền lại những câu chuyện về cụ Chu Văn An, một người Thầy nghiêm khắc nhưng hết lòng vì học trò, mở trường dạy học không phân biệt giàu nghèo. Cuộc đời thanh bạch của cụ Chu Văn An là tấm gương sáng được đời đời sùng kính, tôn vinh. Người dân xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì tôn làm Hậu Thần, thờ tại ngôi đình khang trang bên bờ sông Tô Lịch. Nhân dân gọi cụ là "Đức thánh Chu", "Đức thánh Văn" với tất cả tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ"

Tại buổi lễ kỷ niệm, một chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm những ca khúc ngợi ca, tôn vinh về người giáo viên nhân dân, hát văn và ngâm thơ của nhà giáo, danh nhân Chu Văn An và 2 tiểu phẩm kịch (“Thất trảm sớ” và “Học trò thuỷ thần”) đã được biểu diễn và thể hiện bởi các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội.