Hướng tới Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội:

Hà Nội tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng nhờ cải cách thủ tục hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ năm 2016 đến nay, chỉ riêng việc thực hiện phương án cải cách, đơn giản hóa đối với 261 thủ tục hành chính (TTHC) đã giúp cho thành phố Hà Nội tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng ngân sách...
Công tác cải cách thủ tục hành chính được thành phố Hà Nội triển khai tạo chuyển biến tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp

Công tác cải cách thủ tục hành chính được thành phố Hà Nội triển khai tạo chuyển biến tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp

Những con số ấn tượng

Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo tổng kết Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”. Theo báo cáo, 5 năm qua, công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng của Hà Nội đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Cụ thể, về cải cách TTHC, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các ngành thường xuyên rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, nhất là các TTHC liên quan đến đời sống người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2016 đến nay, thành phố thực hiện rà soát, đánh giá đối với 261 TTHC; thông qua phương án đơn giản hóa đối với 183 TTHC, tiết kiệm 34 tỷ đồng/năm (năm 2017); 61 TTHC, tiết kiệm 43 tỷ đồng/năm (năm 2018); 71 TTHC (năm 2019)... Giai đoạn vừa qua Hà Nội cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, quy hoạch, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm,...) và chuyên ngành (giáo dục, y tế, giao thông, lao động, tư pháp); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cung ứng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hà Nội sẽ phải tập trung giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, có nhiều việc mới, việc khó, phức tạp phát sinh từ thực tiễn. Cải cách hành chính tiếp tục được thành phố xác định là khâu đột phá, nhưng sẽ có sự thay đổi căn bản về chất và nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, công tác này cần phải được tiến hành đồng bộ, vững chắc, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, nhất là gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại và thành phố thông minh”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn

Lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, các dịch vụ thuế điện tử được triển khai đồng bộ tạo điều kiện tối đa, giảm chi phí cho người nộp thuế, tỷ lệ nộp thuế điện tử đã đạt 95%. Lĩnh vực LĐ-TB&XH, nhờ ứng dụng phần mềm CNTT trong công tác hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng từ ngày 1-9-2016 đến nay đã giúp người dân tiết kiệm được hơn 5,2 tỷ đồng qua việc giảm bớt thủ tục, thời gian đi lại…

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, mục tiêu cao nhất của cải cách TTHC nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết TTHC. Cũng vì thế, từ 2016 đến nay, hàng năm Hà Nội đều tiến hành khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Kết quả năm 2016, thành phố tiến hành khảo sát, đo lường mức độ hài lòng đối với 4 lĩnh vực (lao động việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công), chỉ số hài lòng chung là 77%.

Năm 2017, đo lường đối với 3 lĩnh vực (an toàn thực phẩm; phòng cháy chữa cháy; cấp đổi Giấy phép lái xe), chỉ số hài lòng chung là 82%. Năm 2018, đo lường với 4 lĩnh vực (đăng ký kinh doanh, khám chữa bệnh, cấp phép xây dựng; tiêu chuẩn đo lường chất lượng), chỉ số hài lòng chung là 80%. Năm 2019 và 2020, thành phố triển khai đo chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của 20 sở/ngành, 30 quận/huyện/thị xã và chỉ số hài lòng ở một số lĩnh vực trọng điểm đều đạt trên 80%.

Bộ máy ngày càng tinh gọn

Cùng với cải cách TTHC là công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Từ 2016 đến nay, Hà Nội đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo định hướng chỉ đạo của Trung ương. Kết quả, thành phố hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 sở và tương đương, sau sắp xếp giảm 1 cơ quan hành chính ngang sở ; giảm 65 phòng (từ 224 phòng xuống 159 phòng); giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng…

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa qua Hà Nội đã sáp nhập một số phường/xã có quy mô diện tích nhỏ, dân số ít, giúp giảm từ 584 xuống còn 579 đơn vị cấp xã. Tương tự, thành phố đã rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp để khắc phục tình trạng cát cứ, phân tán nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Kết quả, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%); các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị, giảm 110 đơn vị (53,4%).

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn - Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy nhấn mạnh, những kết quả trên đã góp phần đưa các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố cải thiện qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt so với đầu nhiệm kỳ.

Có thể kể đến: chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) của Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh thành trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tăng 7 bậc so với đầu nhiệm kỳ (2015); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh thành, tăng 15 bậc so với năm 2015; chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2019 đạt trên 80%, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra…

Dù vậy, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cơ quan, lĩnh vực còn chưa quyết liệt, vẫn còn có nhiệm vụ chậm tiến độ. Nhận thức của người đứng đầu tại một số đơn vị về công tác cải cách hành chính còn hạn chế. Đặc biệt, chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh - PAPI của thành phố vẫn đang đứng ở vị trí thấp. Tiến độ triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT của thành phố nhìn chung còn chậm...

Đồng chí Đào Đức Toàn nhấn mạnh, giai đoạn tới đây, Hà Nội sẽ phải tập trung giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, có nhiều việc mới, việc khó, phức tạp phát sinh từ thực tiễn. Cải cách hành chính tiếp tục được thành phố xác định là khâu đột phá, nhưng sẽ có sự thay đổi căn bản về chất và nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, công tác này cần phải được tiến hành đồng bộ, vững chắc, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, nhất là gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại và thành phố thông minh.

Tin cùng chuyên mục