Hà Nội Tự tin định vị là trung tâm của Đông Nam Á và Đông Á (bài 3):

Hà Nội tiên phong phát triển đô thị thông minh, chính quyền điện tử, nâng cao đời sống nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã có những quyết sách lớn để đi tiên phong trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Hà Nội đang đi tiên phong trong việc xây dựng đô thị thông minh

Hà Nội đang đi tiên phong trong việc xây dựng đô thị thông minh

Định hướng tới đô thị thông minh

Theo “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính đô thị loại đặc biệt, cũng là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước. Đồng thời, Thủ đô Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trên cơ sở quy hoạch, định hướng cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội tới giữa thế kỷ này, việc xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển. Theo Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội là một trong những thành phố đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Để phát triển thành phố thông minh thành công, Hà Nội chú trọng đến hạ tầng mạng viễn thông băng rộng, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) và các dữ liệu liên thông với nhau. Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2020 định hình những thành phần cơ bản của thành phố thông minh và đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh. Để đạt mục tiêu này, từ năm 2019, Hà Nội ưu tiên triển khai 3 thành phần cơ bản của thành phố thông minh gồm có Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội; Giao thông thông minh và Du lịch thông minh.

Với Trung tâm Điều hành thông minh, Hà Nội xác định hình thành 8 Trung tâm chức năng, bao gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng công nghệ thông tin của thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Phân tích dữ liệu; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý Dịch vụ công thành phố; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.

Cùng với việc từng bước hình thành Trung tâm Điều hành thông minh Hà Nội, thành phố sẽ tập trung để hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống Giao thông thông minh và Du lịch thông minh trong năm nay. Về Giao thông thông minh, thời gian tới, Hà Nội triển khai hệ thống thông tin giao thông tích hợp của Hà Nội và các hệ thống: Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; Hệ thống phần mềm giám sát an ninh công cộng; Hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân…

Trong khi đó, với Du lịch thông minh, năm nay, thành phố đã triển khai Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng trên điện thoại di động; Phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Đồng thời, Hà Nội triển khai theo yêu cầu thực tế các nội dung: Bản đồ số du lịch Hà Nội; Hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội; Phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch…

Phát triển đô thị thông minh, nâng cao đời sống nhân dân

Có thể thấy, để xây dựng một đô thị thông minh cần rất nhiều yếu tố, ở đó không chỉ là việc tạo dựng môi trường sống hiện đại, tiện ích cho người dân, môi trường làm việc cởi mở, thân thiện; áp dụng các công nghệ khoa học vào hoạt động quản lý mà còn cần phải giải quyết nhiều vấn đề cố hữu đang tồn tại ở các đô thị như ùn tắc giao thông, khói bụi, ô nhiễm môi trường… Đó cũng là những công việc mà Hà Nội đã triển khai trên thực tế thời gian qua.

Hà Nội đã thí điểm triển khai một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực về giao thông vận tải như: thí điểm và mở rộng triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (IParking); giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành; về tài nguyên môi trường, đã hoàn thành xây dựng hệ thống gồm 10 trạm quan trắc môi trường không khí tự động phục vụ cho công tác quan trắc môi trường không khí Hà Nội, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng Giao tiếp điện tử thành phố.

Về nông nghiệp, Hà Nội đã triển khai hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với nông sản thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố. Về thuế, tài chính, ngân hàng, đã triển khai các dịch vụ thuế điện tử; đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng...

Đặc biệt, trong thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… về phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, Hà Nội đã chủ động phát triển và công bố ứng dụng Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City.

Ứng dụng này giúp người dân phản ánh, kiến nghị về y tế (về người nghi nhiễm, thông tin vi phạm) và phản ánh về các lĩnh vực khác (môi trường, giao thông, giáo dục, an ninh…), góp phần tích cực, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp, phát triển ứng dụng Hà Nội Smart City là địa chỉ duy nhất để cung cấp thông tin, dịch vụ của nhiều lĩnh vực như chất lượng không khí, môi trường, lượng mưa, nhiệt độ, hướng dẫn về du lịch, y tế…

Tiên phong trong việc xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ thông tin ứng dụng vào công cuộc phát triển đô thị thông minh, chính quyền điện tử, nâng cao đời sống nhân dân.

1. Trung tâm Điều hành thông minh:

- Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin;

- Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng công nghệ thông tin của thành phố;

- Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông;

- Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng;

- Trung tâm Phân tích dữ liệu;

- Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân;

- Trung tâm Quản lý Dịch vụ công thành phố;

- Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.

2. Giao thông thông minh:

- Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh;

- Hệ thống phần mềm giám sát an ninh công cộng;

- Hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;

- Hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân…

3. Du lịch thông minh:

- Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng trên điện thoại di động;

- Phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch;

- Bản đồ số du lịch Hà Nội;

- Hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội;

- Phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch…

(Còn tiếp)