Hà Nội thuộc nhóm dẫn đầu về cải cách hành chính

ANTĐ - Bộ Nội vụ vừa công bố kết quả bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp bộ, cơ quan ngang bộ năm 2012 (PAR Index 2012). Theo đó, các trung tâm kinh tế như Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng thuộc nhóm đứng đầu bảng về chỉ số CCHC cấp tỉnh.

Hà Nội nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Trên cơ sở tự đánh giá, chấm điểm của các Bộ và các tỉnh (đã được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh) và kết quả điều tra xã hội học, Bộ Nội vụ đã xây dựng báo cáo chi tiết tổng hợp kết quả xác định PAR Index 2012. Theo đó, kết quả được chia làm 4 nhóm: Tốt, Khá, Trung bình, Thấp.

Nhóm kết quả Tốt có chỉ số trên 80%, gồm 4 Bộ, trong đó, Bộ Tư Pháp đứng đầu với PAR Index 82,47%. Nhóm kết quả Khá đạt chỉ số từ 76% đến 80% có 7 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Nhóm kết quả Trung bình đạt chỉ số từ 70% đến 75% có 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ và nhóm kết quả Thấp có 4 Bộ. Vị trí cuối bảng xếp hạng với chỉ số PAR Index 2012 là Bộ Y tế, với tỷ lệ 64,78%. Cùng nhóm đạt kết quả thấp là Bộ LĐ-TB&XH (67,06%), Ủy ban Dân tộc (67,19%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (69,75%). 

Kết quả PAR Index 2012 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được chia 4 nhóm: Tốt, Khá, Trung bình, Thấp. Nhóm kết quả Tốt đạt chỉ số trên 80% có 19 tỉnh, thành phố. Đà Nẵng đứng đầu với PAR Index 87.14%. Cùng nằm trong nhóm kết quả Tốt còn có 18 địa phương khác gồm Bà Rịa – Vũng Tàu (86,14%), TP Hồ Chí Minh (83,83%), Đồng Tháp (83,44%), An Giang (83,25%)... Hà Nội ở vị trí thứ 7 (82,79%), còn Quảng Ninh (80,21%) ở thứ 19 trong danh sách này. Nhóm kết quả Khá có chỉ số từ trên 70% đến dưới 80% có 33 địa phương: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bắc Ninh… Nhóm xếp loại Trung bình với chỉ số từ 67,68% đến dưới 70% có 5 tỉnh gồm Bình Phước, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Kon Tum. Đặc biệt 6 tỉnh bị liệt vào nhóm xếp loại Thấp với chỉ số từ 62,58% đến dưới 67,68% gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng và Điện Biên. đứng cuối bảng với kết quả 62,58%. 

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, PAR Index phản ánh tương đối khách quan, trung thực kết quả triển khai cải hành chính thực tế của các bộ, các tỉnh. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Cách làm và kết quả đánh giá này sẽ có tác động tích cực đến chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu các cơ quan trong các năm tiếp theo. Các Bộ, các tỉnh căn cứ vào PAR Index 2012 để có giải pháp cần thiết trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC năm 2014, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai hoạt động của mình”.

Bộ trưởng cũng cho biết, đây là lần đầu tiên triển khai đánh giá, xác định PAR Index nên các đơn vị còn thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong xây dựng kế hoạch và thực hiện; cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực cải cách hành chính còn thiếu, do vậy việc đánh giá các tiêu chí, tiêu chí thành phần gặp nhiều khó khăn. Một số Bộ, tỉnh chưa quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên, quyết liệt nên kết quả triển khai chậm so với quy định, báo cáo tự đánh giá, chấm điểm sơ sài, không đúng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và thiếu các tài liệu kiểm chứng.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, năm 2014 được xác định là “năm cải cách thể chế” nên quan trọng nhất là phải xây dựng cho được “nền công vụ chuyên nghiệp”. Ông Nguyễn Sỹ Dũng nói: “Nếu không có được nền công vụ chuyên nghiệp, rất khó cải cách thể chế, cũng như CCHC. Từ cấp thứ trưởng trở xuống, nên thi tuyển và là “công vụ” thật sự thì mới có được người giỏi”. 

Để cải cách công vụ, ông Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị giải pháp đánh giá sự hài lòng của dân đối với  các cơ quan hành chính Nhà nước qua mạng Internet. “Tiêu chí đánh giá Giám đốc Sở GTVT trước hết là địa phương ông ta chịu trách nhiệm quản lý có tắc đường hay không chứ đâu phải ông ta làm vừa lòng mọi người ra sao” - ông Nguyễn Sỹ Dũng nói.