Hà Nội: Thực hư “siêu doanh nghiệp” có vốn điều lệ gần 128.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  “Siêu doanh nghiệp” có vốn điều lệ gần 128.000 tỷ đồng tại Hà Nội có ngành nghề đăng ký kinh doanh là: dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hòa không khí; đúc sắt, thép…
Trụ sở CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu tại 143 Trích Sài cửa đóng then cài

Trụ sở CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu tại 143 Trích Sài cửa đóng then cài

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu là “siêu doanh nghiệp” mới xuất hiện. Tính đến cuối năm 2020, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu có tổng tài sản trên sổ sách lên đến 127.902 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD).

Theo Giấy đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này thành lập ngày 9-11-2018, có trụ sở tại 143 Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tổng giám đốc là ông Bùi Văn Việt, sinh năm 1953, chỗ ở hiện tại ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Tháng 6-2019, công ty này công bố tăng tổng nguồn vốn từ 132 tỉ đồng lên 127.902 tỉ (tương đương 5,5 tỉ USD, tăng gấp 969 lần) và duy trì cho đến nay.

Công ty này có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là ông David Aristotle Phan (trú tại Beverly Hills, bang California, Mỹ), với số vốn góp 51.161 tỷ đồng.

Ông David Aristotle Phan từng theo học lĩnh vực khoa học máy tính từ những năm 1970-1980 tại Mỹ và nhận bằng Thạc sỹ tại trường Đại học Illinois, Tiến sỹ Khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Massachusetts và Tiến sỹ khoa học nghiên cứu ứng dụng vật lý tại trường Đại học Missouri-Columbia. Hiện tại, cổ đông này được biết đến với vai trò nhà đầu tư tại nhiều doanh nghiệp. Song đáng chú ý là có thông tin cho rằng hoạt động đầu tư của ông David Aristotle Phan có dấu hiệu hoạt động đa cấp.

Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu là xây dựng nhà không để ở, cụ thể là dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đăng ký các ngành nghề khác như lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hòa không khí; đúc sắt, thép; xây dựng công trình cấp, thoát nước; chuẩn bị mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại…

Tìm hiểu thực tế cho thấy, tại địa chỉ doanh nghiệp đăng ký thành lập tại số 143 Trích Sài không có biển tên nào của CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn cầu. Khu đất này có nhà cấp 4, có bảng biển hoạt động rửa xe, thay dầu nhưng hiện đang đóng cửa.

Như vậy, với số vốn điều lệ này, tính đến hết năm 2020, vốn chủ sở hữu của Toàn Cầu lọt top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, sau Vingroup (135.853 tỷ đồng), Samsung Electronics Việt Nam (229.498 tỷ đồng), EVN (240.236 tỷ đồng) và Samsung Electronics Thái Nguyên (274.193 tỷ đồng).

Vốn chủ của Toàn Cầu cũng vượt Vietnam Beverage, công ty được lập ra nhằm phục vụ cho thương vụ ThaiBev mua lại cổ phần Sabeco trị giá gần 5 tỷ USD; trên Vietcombank (98.859 tỷ đồng), Formosa Hà Tĩnh (93.408 tỷ đồng), Vinhomes (89.685 tỷ đồng)...