Hà Nội sẽ thu xếp vốn như thế nào để đầu tư 65.400 tỷ đồng làm tuyến metro số 5

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại tờ trình Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội “tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc”, UBND TP Hà Nội cho biết, dự án sẽ được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố với 65.400 tỷ đồng.

Huy động vốn đầu tư công ưu tiên cho dự án

Theo đó, tuyến metro số 5 do Tập đoàn Vingroup lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT. Tập đoàn Vingroup và Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP (TEDI) đã lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Trong quá trình thẩm định nội bộ Dự án, UBND TP đã thống nhất, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Tổng vốn đầu tư dự kiến là 65.404 tỷ đồng. UBND TP cho rằng, tổng mức đầu tư này chỉ là dự kiến, sau khi Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được thông qua chủ trương, đơn vị được giao lập Báo cáo có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập, trình thẩm định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

UBND TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án sẽ được cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hà Nội sẽ ưu tiên huy động vốn đầu tư công để làm dự án metro số 5, Văn Cao- Hòa Lạc

Hà Nội sẽ ưu tiên huy động vốn đầu tư công để làm dự án metro số 5, Văn Cao- Hòa Lạc

Phương án cân đối nguồn lực đầu tư dự án metro số 5 ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021- 2025 từ năm nguồn vốn được Hội đồng thẩm định thành phố họp thông qua.

Cụ thể, vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021- 2025 dự kiến 15.000 tỷ đồng (trung bình 3.000 tỷ đồng/năm); Vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp khoảng 18.000-20.000 tỷ đồng; Vốn từ đấu giá một số khu đất dự kiến 15.000 tỷ đồng; Vốn từ phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; Vốn vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước 6.900 tỷ đồng.

Đầu tư trong một giai đoạn 5 năm

Tại Tờ trình này, UBND TP Ha Nội cũng nêu rõ khả năng cân đối vốn, hạn mức vay nợ của thành phố.

Theo đó, nguồn vốn từ đầu tư công và tiết kiệm chi thường xuyên, trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng. UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trung bình 3.000 tỷ đồng/năm.

Với nguồn vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, dự kiến tổng nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc TP là 20.218 tỷ đồng (thu cổ phần hóa 16.485 tỷ đồng, thoái vốn 3.733 tỷ đồng).

Số đã thu đến 31/12/2019 là 8.195 tỷ đồng, dự kiến thu năm 2020 từ các doanh nghiệp tiếp tục cồ phân hóa, thoái vốn là 12.022 tỷ đồng. Tổng nguồn thu cổ phần hóa, thoái vôn doanh nghiệp TP có thể sử dụng cho đầu tư các dự án thuộc hệ thống đường sắt đô thị của TP khoảng 18.400 tỷ đồng.

Nguồn vốn từ đấu giá đất, theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước, số thu tiền sử dụng đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách Nhà nước và là nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng 100%, được sử dụng cho chi đầu tư phát triển của TP. Nguồn phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng.

Theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, mức dư nợ vay của ngân sách TP Hà Nội không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Theo đó mức dư nợ huy động tối đa của TP Hà Nội tính đến năm 2020 khoảng 71.422 tỷ đồng, dự kiến mức dư nợ vay đến hết năm 2020 của TP là 8.329 tỷ đồng.

UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP chấp thuận theo quy định trước khi phát hành trái phiếu, dự kiến vào năm 2023 sau khi đã sử dụng các nguồn vốn ngân sách nêu trên để tiết kiệm chi phí lãi suất, phát huy hiệu quả đầu tư.

UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư toàn tuyến metro số 5 trong một giai đoạn (2020 - 2025), với tổng số 21 nhà ga.