Hà Nội sẽ kiên trì thực hiện phân làn

ANTĐ - Hôm nay, 14-10, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có cuộc làm việc với các ngành chức năng để kiểm điểm lại việc phân làn phương tiện trên 5 tuyến phố trong gần 1 tháng qua. Các ý kiến đều thống nhất tiếp tục điều chỉnh phương án phân làn hiện có, đồng thời chuẩn bị mở rộng phân làn thêm 8 tuyến phố mới.

Hà Nội sẽ tiếp tục phân làn thêm 8 tuyến phố

Điểm lại những gì đã làm được cũng như rất nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức phân làn 5 tuyến phố, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, với hạ tầng hiện có, phương án phân làn không thể thỏa mãn hết tất cả mọi đầu bài. Ông nói: “Quan trọng là việc dần hình thành ý thức đi theo làn, góp phần giảm ùn tắc. Mình vì cộng đồng chứ ai cũng muốn nhanh, muốn vượt lên trước thì sao ổn được”.

Ghi nhận những kết quả ban đầu của việc phân làn nhưng Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cũng chỉ ra nhiều vấn đề hóc búa mà phương án hiện nay chưa giải quyết được. Chẳng hạn, vấn đề xe buýt chạy trên các tuyến phân làn hiện chưa có giải pháp xử lý triệt để. Ông Nguyễn Văn Khôi gợi ý: “Các điểm dừng đỗ hiện nay đã hợp lý chưa? Theo tôi, phải có điều chỉnh. Ngoài ra, có nên “khoét” hè để “dọn” chỗ cho xe buýt vào đón trả khách hay không?”. Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng, khoảng cách tách nhập làn cũng phải điều chỉnh lại, tùy theo từng đoạn tuyến. Ông nói: “Sở GT-VT phải thiết kế lại sơ đồ của các tuyến phân làn, đánh giá đầy đủ các hạn chế và chỉ ra giải pháp khắc phục...”.

Góp ý cho việc tổ chức phân làn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, khâu tuyên truyền vừa qua thực hiện chưa được tốt. Bà nói: “Trước mắt, cần tập trung tuyên truyền cho cán bộ, công chức Hà Nội, các trường học, tổ dân phố... Cần gửi tờ rơi, tài liệu tới tận nơi để người dân xem, hiểu và ủng hộ chủ trương của  thành phố...”.

Nhìn lại gần 1 tháng phân làn phương tiện, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá, “đã có những biến chuyển rõ nét, nhất là về ý thức tham gia giao thông”. Đa số người dân đã chấp hành nghiêm túc. Tuy thế, qua những tuần đầu thực hiện, phương án phân làn cũng bộc lộ sự thiếu đồng bộ, chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống. Ngoài ra, một số vấn đề kỹ thuật cũng phải sớm có sự điều chỉnh. Ông nói: “Cột cắm như thế mà vẫn có người đâm vào thì phải xem xét lại về mặt kỹ thuật xem có vấn đề gì không? Biển báo hiệu như thế đã đủ chưa? Cần phải thêm hình thức cảnh báo như thế nào để tai nạn không xảy ra...”.

Chỉ đạo hướng thực hiện trong giao đoạn tới, Chủ tịch UBND TP cho rằng, phải áp dụng 4 từ “kiên quyết - kiên trì - đồng bộ - triệt để”. Ông nhấn mạnh, Hà Nội sẽ thực hiện tới cùng việc tổ chức phân làn, không có chuyện bỏ dở giữa chừng. “Phương án chưa phù hợp sẽ được điều chỉnh. Lực lượng, phương tiện thiếu sẽ được bổ sung. Có thể huy động lực lượng dân phòng hay đoàn viên thanh niên tham gia. Thay đổi một thói quen phải có thời gian và giải pháp tốt. Đây là việc đòi hỏi phải hết sức kiên trì...” - ông Nguyễn Thế Thảo nói. Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo việc sớm tổ chức Hội thảo khoa học, mời các chuyên gia đầu ngành tới để hiến kế giúp Hà Nội giải pháp chống ùn tắc giao thông trong tình hình hiện nay.

Hiện nay, TP Hà Nội đã tổ chức phân làn trên 5 tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng (từ Pháp Vân tới Lê Duẩn), Phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu (từ Tràng Thi tới Nguyễn Du). Trong 3 tháng cuối năm 2011, TP sẽ tiếp tục mở rộng phân làn thêm 8 tuyến phố gồm: Kim Mã (đoạn từ Voi Phục tới bến xe Kim Mã), Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông), Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao QL 5 - Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy).

Đề xuất điều tiết giờ học

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng CSGT (CATP Hà Nội) đề xuất, TP nên nghiên cứu giải pháp điều tiết giờ học của học sinh, sinh viên để góp phần giảm lưu lượng giao thông giờ cao điểm. Đây là biện pháp đã được nhiều nước áp dụng. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cũng cho rằng, cần hết sức hạn chế điểm đỗ trong khu vực trung tâm bởi đường, phố vốn đã hẹp, lại phải chia sẻ, tận dụng làm điểm đỗ nên càng dễ gây ùn tắc. Ngoài ra, cần nghiên cứu sử dụng loại hình xe buýt nhỏ bởi xe lớn như hiện nay di chuyển ở khu vực trung tâm rất khó khăn.