Hà Nội sẽ khởi công một số tuyến metro trong giai đoạn tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà

Dành 7.000 tỷ đồng/năm để đầu tư hạ tầng

- Trong giai đoạn vừa qua, kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội được đầu tư như thế nào, thưa ông?

- Phó Giám đốc Sở GTVT Vũ Hà: Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, Hà Nội đã phát huy được sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật nhất là đã gắn kết, huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao giao thông.

Ngân sách của thành phố đã dành khoảng 7.000 tỷ đồng/năm để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường, trong đó đã ưu tiến bố trí vốn dành cho giao thông ngoại thành và hỗ trợ các địa phương khu vực ngoại thành đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trung bình khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm do thành phố thực hiện đã được hoàn thành, góp phần cải thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng gia thông, giảm ùn tắc giao thông hiệu quả như: vành đai 2; cầu Vĩnh Tuy; vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); QL1A (đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi); cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, An Dương - Thanh Niên... Nhờ đó, giao thông đã và đang phát huy tích cực vai trò nguồn lực quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố.

Sự đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông và mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã góp phần kéo các vùng xa về gần lại với thành phố, từ đó tạo điều kiện phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa xã hội và điều kiện tự nhiên sẵn có, góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã; tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đường đi thấp qua hồ Linh Đàm sẽ thông xe vào sáng mai, 6/10

Đường đi thấp qua hồ Linh Đàm sẽ thông xe vào sáng mai, 6/10

- Tuy vậy, theo ông nhận định, kết cấu hạ tầng giao thông ở Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu thực tế?

-Những thành quả đạt được như trên mới chỉ là bước đầu và đang trong quá trình hiện thực hóa Quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chưa chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Nguyên nhân cốt lõi là: Do chưa có tuyến vành đai nào được đầu tư hoàn chỉnh; các cầu vượt sông còn thiếu so với nhu cầu; Mạng lưới kế cấu hạ tầng giao thông khung chưa đầu tư hình thành đồng bộ; các tuyến đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

Đặc biệt khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu thực tế, 80% là huy động từ các nguồn: PPP, ODA...

Có thể nói một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Thiếu vốn hay sử dụng vốn không linh hoạt, hợp lý là những nguyên nhân chủ yếu làm chậm bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Bốn nhóm giải pháp huy động vốn cho hạ tầng giao thông

-Trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hạ tầng như thế nào?

-Để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội thì kết cấu hạ tầng GTVT phải đi trước một bước. Trong 05 năm tới, kết cấu hạ tầng giao thông mà Hà Nội tập trung giải quyết là đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm: QL1A, QL3, QL6, QL21; QL21B; các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam;

Các đường vành đai như vành đai 3,5, đường vành đai 4, vành đai 5;

Một số cầu vượt sông như cầu Tứ Liên; cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở (vành đai 4); cầu Ngọc Hồi (vành đai 3,5); cầu Đuống 2 (trên QL1A cũ)… Trong đó, tuyến vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi được hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách liên tỉnh khu vực vành đai 4 theo quy hoạch (là các đầu mối giao thông quan trọng vận chuyển hành khách kết nối khu vực đô thị trung tâm với các địa phương và tỉnh thành trong cả nước).

Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội);

Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm bốn tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc và Tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo (do Thành phố đầu tư); Tuyến số 1 Yên viên - Ngọc Hồi (Bộ GTVT đầu tư); Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại làm cơ sở khởi công trong giai đoạn tiếp theo.

Đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở- Vĩnh Tuy sắp hoàn thiện, đưa vào khai thác

Đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở- Vĩnh Tuy sắp hoàn thiện, đưa vào khai thác

-Với khối lượng hạ tầng lớn như vậy thì việc huy động vốn như thế nào để đáp ứng, thưa ông?

Để huy động hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển KCHTGT, theo tôi cần chú trọng vào 8 giải pháp lớn, trong đó có 4 nhóm giải pháp cụ thể nhằm tăng cường nguồn vốn.

Hà Nội sẽ rà soát các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan đơn vị, quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai cho các dự án đầu tư theo hình thức BT (hiện không sử dụng đối ứng nữa theo Luật PPP mới), để chủ động lập quy hoạch, tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu theo đúng quy định.

Xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (mô hình đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) để khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị…, tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác vận hành chính các tuyến này.

Hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá, vừa tạo nguồn thu vừa tạo mặt bằng phục vụ thi công các công trình.

Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực GTVT…