Hà Nội rốt ráo chống dịch tả lợn châu Phi

ANTD.VN - Hầu hết người chăn nuôi trên địa bàn xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đều thuộc “nằm lòng” mối nguy của dịch tả lợn châu Phi…

Không tiếp khách vào trang trại

Khắp xã Kim Sơn, TX Sơn Tây, Hà Nội trong những ngày này, tại các ngõ ra vào đều được phủ trắng một lần vôi bột.

Các cơ sở chăn nuôi từ nông hộ đến trang trại lớn đều cửa đóng, then cài theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Nếu như không phải người quen biết hay có cán bộ thú y xã “làm mối” thì người lạ không xâm nhập được vào các hộ chăn nuôi lợn vào thời điểm này. Bởi, 100% hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Kim Sơn đều đã nắm được mối nguy về dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào Hà Nội và khả năng lây lan ra các quận, huyện, thị xã khác là rất cao.

Đáng nói, loại dịch này không thể chữa trị, không có vaccine tiêm phòng và gây chết cả đàn nên tính phá hoại đối với ngành chăn nuôi lợn là rất lớn.

Anh Nguyễn Văn Khiển thường xuyên phải tiêu độc khử trùng để phòng dịch tả lợn châu Phi

Một cán bộ thú y của Trạm Thú y TX Sơn Tây tiết lộ: “Thời điểm này các hộ chăn nuôi lợn đều hạn chế qua lại. Ai ở nhà người ấy. Thậm chí, có tiệc rượu thì cũng khó mời nhau ăn uống. Nhà nào cũng cửa đóng then cài, nhất là các trang trại chăn nuôi gia công cho một số công ty chăn nuôi lớn còn dán giấy thông báo không tiếp khách từ cổng”.

Tại hộ chăn nuôi của ông Kiều Bá Phượng, thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn, TX Sơn Tây, từ cổng vào được phủ vôi bột trắng xóa. Ông Phượng cho biết, hiện, trong chuồng nhà ông đang có hơn 200 đầu lợn thịt, lúc cao điểm có thể lên tới 300 con.

Đề cập đến dịch tả lợn châu Phi, ông Phượng nắm rõ đến nay đã có 7 tỉnh, thành phố có dịch, trong đó có Hà Nội. Bởi vậy, ông càng lo lắng về nguy cơ dịch xâm nhập.

“Trước đây, tôi phun khử trùng tất cả các khu chuồng nuôi 15 ngày/lần, nhưng thời gian gần đây, cứ 10 ngày tôi phun/lần. Đối với phương tiện ra vào trang trại như xe chở cám cũng đều phải phun khử trùng. Bên cạnh đó, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn lợn. Đối với người chăn nuôi, quan trọng nhất là chống dịch bệnh sau mới đến giá cả”, ông Phượng chia sẻ.

Cũng theo ông Phượng, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương hay cán bộ thú y là rất đáng quý, nhưng với mỗi hộ chăn nuôi phải tự ý thức bảo vệ tài sản của mình.

Tương tự, tại hộ chăn nuôi nhà anh Nguyễn Văn Khiển, thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn cũng được bảo vệ rất cẩn thận. Toàn bộ khu chuồng nuôi gần 180 con lợn, trong đó hơn 20 nái của gia đình anh đều được vệ sinh sạch sẽ theo ngày. Đối với đàn lợn nái, anh còn có nhật ký ghi chép đầy đủ như cân nặng, đã tiêm vaccine gì, vào ngày nào….

“Việc phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi được tôi thực hiện thường xuyên với tần suất dày hơn trước kia. Rồi còn phải hạn chế người ra vào trang trại, đối với xe chở cám hay xe xuất lợn, tôi đều yêu cầu đỗ ở ngoài cổng, không đánh xe vào gần khu chăn nuôi”- anh Khiển cho biết.

Chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản

Bà Kiều Thị Hà, Trưởng ban Thú y xã Kim Sơn cho biết, vào lúc cao điểm như năm 2016, đàn lợn toàn xã lên đến 10.000 con, nhưng sau đợt "bão" giá lợn giảm xuống đáy của năm 2017, tổng đàn lợn đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng hơn 5.000 con và khoảng 200 hộ chăn nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn 5 trang trại chăn nuôi gia công lớn nên công tác phòng dịch luôn được chú trọng.

Từ cuối năm 2018, xã đã phối hợp với Trạm Thú y thị xã tập huấn cho 50 hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn, thành lập Ban chỉ đạo chống dịch.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thường xuyên đến từng hộ chăn nuôi tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi và công tác phòng chống, công khai mức hỗ trợ lợn bệnh của thành phố để người chăn nuôi nắm được.

“Chúng tôi luôn tuyên truyền cho người dân phòng là chính, nhưng khi có dịch thì lập tức báo cáo cho chính quyền cũng như lực lượng thú y để xử lý kịp thời”- bà Hà chia sẻ.

Trong đợt cao điểm phòng chống dịch tả lợn châu Phi này, lực lượng thú y xã Kim Sơn phải đến từng hộ chăn nuôi để ký cam kết chăn nuôi an toàn, không giấu dịch, không vứt lợn bệnh ra môi trường. Đồng thời, phải theo dõi, cập nhật theo tuần về số lượng tổng đàn lợn.

Thậm chí, Ban chỉ đạo chống dịch của xã đã lên kịch bản xấu nhất, nếu dịch xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn xã thì phải làm những gì, chôn lấp lợn bệnh ở đâu, xử lý môi trường, khu vực chăn nuôi ra sao…

Toàn thành phố đang vào những ngày cao điểm chống dịch tả lợn châu Phi bởi Hà Nội là địa bàn chăn nuôi lớn (đàn lợn 1,8 triệu con) và cũng là thị trường tiêu thụ lớn.

Với tinh thần phòng chống dịch như ông Phượng, anh Khiển, và sự vào cuộc đầy nhiệt huyết của những cán bộ thú y như bà Hà thì mối nguy về dịch lây lan diện rộng trên địa bàn thành phố cũng vơi đi bớt phần nào.

Dù vậy, ông Phượng cho rằng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, nếu chỉ trông vào mỗi lực lượng thú y thì cũng rất khó...