Hà Nội ráo riết xóa cảnh bệnh viện nằm ghép

ANTĐ - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Hà Nội tới năm 2020, định hướng tới 2030. Theo đó, 8 năm tới, TP sẽ đầu tư số vốn khổng lồ lên tới 43.360 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô.

Cần rất nhiều thời gian và tiền bạc để giảm dần cảnh nằm ghép ở các bệnh viện

Nhiều con số hấp dẫn

Trong bản quy hoạch vừa được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phê duyệt, người ta chú ý nhiều tới chỉ tiêu giường bệnh. Cụ thể, đến năm 2015, TP Hà Nội đặt chỉ tiêu đạt tỷ lệ 12,5 bác sỹ /10.000 dân, đạt 2 dược sĩ /10.000 dân. Đến năm 2020, con số này tăng lên 13,5 bác sỹ/10.000 dân, 2,5 dược sỹ /10.000 dân. Năm 2030 đạt 14 bác sỹ/10.000 dân, 3 dược sỹ/10.000 dân; nhân viên điều dưỡng từ 3 - 4 nhân viên /bác sỹ. Đặc biệt, TP phấn đấu tăng tỷ lệ giường bệnh lên 20 giường bệnh /10.000 dân vào năm 2015; 25 giường bệnh /10.000 dân vào năm 2020 và 30 giường bệnh /10.000 dân vào năm 2030.

Cùng với đó, đến năm 2015 bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; đến năm 2020 nâng cấp và duy trì đặt chuẩn quốc gia về y tế xã. Đây là những con số hứa hẹn giảm tải đáng kể cho hệ thống y tế Hà Nội hay nói cách khác là người dân sẽ dần dần không còn phải chen chúc khám chữa bệnh hoặc “nằm ghép” ở các bệnh viện.

Cũng theo quy hoạch mới, giai đoạn từ năm 2011-2015, Hà Nội sẽ khởi công xây mới 10 bệnh viện với 3.850 giường bệnh, với nhu cầu đất là 43,5ha. Giai đoạn từ năm 2016-2020, sẽ khởi công và xây mới 15 bệnh viện với 5.000 giường bệnh với nhu cầu đất là 50,5ha. TP cũng sẽ nâng cấp bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I với quy mô 250 giường bệnh. Đồng thời, xây mới bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông cơ sở 2 với quy mô 300 giường bệnh; xây mới 1 bệnh viện Y học cổ truyền Gia Lâm với quy mô 300 giường bệnh... Cùng với đó, TP sẽ thiết lập 9 trạm cấp cứu vệ tinh gắn với các trung tâm đô thị, nông thôn tại các khu vực Mỹ Đình, khu đô thị mới Bắc Thăng Long, đô thị Hòa Lạc, khu vực Thường Tín hoặc Phú Xuyên, đô thị Sơn Tây, khu vực Vân Đình, Xuân Mai... 

Quy hoạch chỉ là khởi đầu

Trước đó, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hoá xã hội (HĐND TP) cho biết, hiện nay, có khoảng 30% người dân Hà Nội tới khám chữa bệnh ở các bệnh viện Trung ương trên địa bàn. Đây là lợi thế nhưng Hà Nội cũng cần khẩn trương trong việc xây dựng mạng lưới y tế của thành phố. Tuy vậy, việc xây dựng mới các bệnh viện không thể xong trong ngày một ngày hai. Nhân lực cho ngành y tế cũng không thể có ngay mà cần thời gian dài đào tạo. Trong khi đó, đến năm 2020, TP sẽ cần thêm khoảng 4.000 bác sĩ, 1.000 dược sĩ và trên 18.000 nhân viên điều dưỡng. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2015, tình trạng quá tải bệnh viện sẽ có chuyển biến  tích cực. “Với bản quy hoạch này, TP Hà Nội sẽ giảm tải bệnh viện sớm hơn Trung ương một chút” - bà Nguyễn Thị Thùy nói.

Một số ý kiến khác lo rằng, quy hoạch có rồi nhưng việc triển khai thực hiện tới đâu lại là vấn đề khác. Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều khu đô thị, khu nhà ở đã quy hoạch rõ ràng diện tích đất dành xây dựng bệnh viện, cơ sở y tế hay trường học nhưng kết quả còn rất hạn chế. Đa số chủ đầu tư chỉ lo xây dựng nhà ở thương mại để bán kiếm lời và cố tình “quên” các hạ tầng xã hội như trường học hay cơ sở khám chữa bệnh. Số khác lại viện cớ không đủ năng lực, trình độ để thực hiện các dự án chuyên ngành như giáo dục, y tế nên nhiều diện tích đất vàng đành bỏ hoang trong khi người dân vẫn phải tìm tới các bệnh viện tuyến trên. 

Thêm nữa, trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công hiện nay, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước dành cho xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế cũng buộc phải “co lại” trong xu thế chung. Thế nên, từ lúc quy hoạch được duyệt cho tới khi các bệnh viện mới, khang trang, hiện đại đi vào hoạt động sẽ còn quãng đường rất dài.

Tin cùng chuyên mục