Hà Nội quyết liệt bảo vệ thành quả chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù xuất hiện các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, song Hà Nội vẫn đang cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ dịch lây nhiễm từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội rất lớn, nhất là từ phía Nam, vì thế cần luôn cảnh giác cao độ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo vệ những thành quả mà thành phố đạt được.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô

Không để dịch bệnh bùng phát quy mô lớn, lây lan ra diện rộng

Hà Nội lại đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 khi tái xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng sau thời gian nhiều ngày không có các trường hợp mắc mới. Theo đó, tính tới chiều ngày 7-7, Hà Nội đã ghi nhận thêm 16 trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn các quận, huyện: Mỹ Đức (7 ca), Đông Anh (6 ca), Hoàng Mai (1 ca), Đống Đa (1 ca) và Mê Linh (1 ca). Trong đó có những trường hợp là công nhân tại Khu công nghiệp, người dân trở về Hà Nội có yếu tố dịch tễ liên quan đến các địa phương đang có dịch như TP.HCM, Nghệ An, Bắc Giang…

Trước đó, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta vào tháng 1-2020, Hà Nội đã trải qua nhiều đợt dịch phức tạp, đặc biệt là đợt dịch với ổ dịch lớn tại Bệnh viện Bạch Mai hồi tháng 3, 4-2020 và mới nhất là đợt dịch hiện nay từ cuối tháng 4 vừa qua với hai ổ dịch lớn tại hai bệnh viện lớn. Tuy nhiên, bằng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt và đúng đắn cùng sự đồng tình, ủng hộ của người dân, Hà Nội đều đã ngăn chặn, kiểm soát được tình hình, không để dịch bệnh bùng phát quy mô lớn, lây lan ra diện rộng.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, trước đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4-2021, Hà Nội đã tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nên đã từng bước khống chế, kiểm soát dịch bệnh, đem lại an toàn cho cộng đồng. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đạt mức tăng trưởng kinh tế gần 6%; thu ngân sách đạt 124.800 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao.

Thành phố mới đây đã nới lỏng hoạt động một số dịch vụ, tạo điều kiện cho tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những thành quả thực hiện “nhiệm vụ kép” và phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội rất quan trọng mà thành phố đạt được đang bị đe dọa bởi việc tái xuất hiện các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Đợt lây nhiễm này được xem là nguy hiểm bởi biến chủng virus SARS-CoV-2 mới Delta rất dễ lây và lây lan nhanh. Cùng với đó, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn bậc nhất của đất nước nên giao lưu, đi lại của Hà Nội với các địa phương khác trong cả nước diễn ra hàng ngày và rất lớn, dẫn tới nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh.

Trong khi đó, sau nhiều ngày không ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng và nhằm tạo điều kiện cho nhân dân, Hà Nội đã nới lỏng một số dịch vụ thiết yếu. Theo đó, cho phép mở lại hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ, cửa hàng cắt tóc, chợ dân sinh trước… với điều kiện tất cả hoạt động này phải đủ điều kiện giãn cách xã hội, có màn chắn và trang bị đầy đủ thiết bị đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn.

Thế nhưng, cũng do nhiều ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới nên có lúc, một bộ phận chấp hành chưa nghiêm, có biểu hiện lơ là, chủ quan, nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống không thực hiện đúng yêu cầu, quy định về điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đây là những việc làm không chỉ tạo nguy cơ mất an toàn đối với người dân, chủ hộ kinh doanh mà còn đối với cả cộng đồng, nhất là trong bối cảnh mới, vừa phát sinh ca bệnh trong cộng đồng từ ngày 5-7 vừa qua.

Làm tất cả để đẩy lùi dịch Covid-19

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, quan điểm của thành phố là phải thực hiện mọi biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách quyết liệt, triệt để ngay từ đầu. Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội nêu rõ, có như thế, Hà Nội mới giữ vững được thành quả chống dịch thời gian qua, mới có điều kiện để duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Đó là nới lỏng các dịch vụ, nhưng không buông lỏng việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Nhằm chống dịch quyết liệt và triệt để ngay từ đầu, ngày 7-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có Công điện gửi các bên liên quan về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình, diễn biến mới của dịch bệnh. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ người về từ các vùng và tỉnh, thành phố có dịch.

Thành phố yêu cầu từ 18h ngày 7-7, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TP.HCM và các vùng dịch (danh sách các vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế). Cụ thể, thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 7 ngày theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 879/QĐ-BYT ngày 12-3-2020 của Bộ Y tế. Tất cả các trường hợp từ vùng có dịch về phải tổ chức xét nghiệm 3 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ ba và ngày thứ sáu kể từ ngày đi từ vùng có dịch về), sau đó tự theo dõi sức khỏe tiếp trong vòng 7 ngày; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.

Thành phố hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch về Hà Nội và ngược lại; tổ chức hoạt động vận tải đi lại hợp lý đến các tỉnh, thành phố có dịch. Kiểm soát chặt chẽ hành khách đi các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát ra cộng đồng. Cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân toàn thành phố phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất, quán triệt chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng là “phải làm tất cả để đẩy lùi dịch Covid-19” và “người Hà Nội không thể thua “giặc” Covid-19”.