Hà Nội: Nhiều huyện cho phép người dân vùng xanh được bán hàng ăn mang về, di chuyển nội vùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ sáng nay, 6/9, huyện Gia Lâm cho phép người dân ở các xã vùng xanh kinh doan bán hàng ăn mang về; huyện Đan Phượng cho phép người dân ở các xã vùng xanh được di chuyển nội vùng.

Gia Lâm cho vùng xanh bán đồ ăn mang về

Theo kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo Chỉ thị 20 của UBND TP Hà Nội, huyện Gia Lâm cho phép người dân trong “vùng xanh” được bán hàng mang về.

Kế hoạch của huyện Gia Lâm nêu rõ, kế hoạch được đề ra nhằm mục đích vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện duy trì và đẩy mạnh sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Huyện đã quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo từng phân khu phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức sản xuất, sinh hoạt, truy vết, xét nghiệm… cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, phân khu 1 (vùng đỏ) gồm một phần địa giới thôn 3 (xã Đông Dư) và một phần thôn Giao Tất A (xã Kim Sơn; cùng là khu vực có ổ dịch đang được phong tỏa, cách ly). Khu này sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ không cho người ra vào; yêu cầu "ai ở đâu ở đó", "nhà nào ở yên nhà đấy" để khoanh vùng, truy vết, dập dịch triệt để.

Huyện Gia Lâm cho phép khu vực vùng xanh được bán đồ ăn mang về

Huyện Gia Lâm cho phép khu vực vùng xanh được bán đồ ăn mang về

Ngoài ra, chính quyền sở tại sẽ lập chốt kiểm soát ra vào tại Phân khu 1; thiết lập hàng rào cứng tại các tuyến đường ngang, ngõ tắt (có tính đến phương án linh hoạt phòng trường hợp khẩn cấp).

"Vùng đỏ" này sẽ dừng triệt để các hoạt động sản xuất kinh doanh, các công trình xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ; chỉ cho cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa để phục vụ người dân.

Phân khu 2 (vùng da cam) sẽ gồm các thôn, tổ dân phố, khu vực của xã, thị trấn có thôn, tổ dân phố bị phong tỏa; các tổ dân phố, khu vực vừa kết thúc phong tỏa trong thời gian 14 ngày; Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị Vinhomes Ocean Park và các nhà máy, cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu, cụm Công nghiệp. Toàn bộ "vùng da cam" sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Trong đó, tiếp tục duy trì trực chốt tại các tổ dân phố, thôn, đảm bảo trực 24/24h và 7/7 ngày trong tuần cho đến khi có thông báo mới; cho phép người dân, phương tiện đến từ vùng 2, vùng 3 và các phân khu khác trên địa bàn huyện ra vào nhưng phải kiểm soát, lập sổ theo dõi.

Tại phân khu 2, huyện Gia Lâm cho phép các hoạt động sản xuất thiết yếu, các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tư nhân được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" và có phương án phòng, chống dịch đã được UBND xã, thị trấn phê duyệt…

Đối với phân khu 3 (vùng xanh) gồm 19 xã, thị trấn không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian cách ly, phong tỏa theo quy định sẽ thực hiện như phân khu 2, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về.

Đan Phượng tạo điều kiện cho người dân 12 xã vùng xanh được đi lại

Còn trên địa bàn huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch với mục tiêu vừa quyết liệt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, huyện Đan Phượng phấn đấu đến 21/9, toàn huyện không còn ca dương tính với SARS- CoV-2.

Theo đó, huyện Đan Phượng xây dựng 4 vùng đỏ, cam, vàng, xanh để phân biệt lần lượt từ vùng có nguy cơ rất cao, vùng nguy cơ cao, vùng nguy cơ và vùng bình thường mới.

Cụ thể, tại 12 xã thuộc vùng xanh (xã Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp, Phương Đình, Thọ Xuân, Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung và thị trấn Phùng) bước đầu, UBND huyện cho phép mở ra một số hoạt động phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân đi lại, phục vụ nông nghiệp, hoạt động xây dựng trên địa bàn xã đang sinh sống. Tuy nhiên, hoạt động đi lại vẫn được khuyến cáo hạn chế nếu không thật cần thiết và di chuyển sang địa bàn xã khác.

Các phương án phòng, chống dịch tại các xã này được áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ như không tụ tập quá 10 người; hạn chế di chuyển từ vùng có dịch sang địa phương khác; các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa; đồng thời áp dụng một số hoạt động ở mức cao hơn như cấp phiếu đi chợ 3 ngày/lần/hộ để phục vụ kiểm soát dịch tại các chợ.

Đối với các chốt kiểm soát thôn, xóm trong vùng này, UBND huyện vẫn khuyến khích duy trì tự quản tại các khu dân cư đến kiểm soát người ra/vào, hạn chế người đi về từ vùng dịch, vùng có nguy cơ lây lan dịch vào địa phương.

Đối với vùng nguy cơ (vùng vàng gồm xã Tân Hội, Thọ An ), áp dụng nguyên tắc Chỉ thị số 15/CT-TTg và một số biện pháp ở mức cao hơn đối với vùng có nguy cơ cao (vùng cam xã Trung Châu) như: dừng tất cả cơ sở kinh doanh, các loại hàng hóa dịch vụ không thiết yếu, kể cả bán hàng ăn mang về. Cấp phiếu đi chợ cho người dân, 3 ngày/lần/hộ theo mẫu do Công an xã cấp.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các vùng này được thực hiện bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch.

Tại các vùng còn tồn tại F0 và khu cách ly (vùng đỏ xã Tân Lập), việc thực hiện phòng, chống dịch vẫn được áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó” và áp dụng ở mức cao hơn như cấp phiếu đi chợ cho người dân, dừng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn trừ doanh nghiệp bố trí được phương án 3 tại chỗ, đảm bảo yêu cầu phòng dịch.

Riêng với xã Tân Lập, nhu cầu đi lại phục vụ sản xuất sẽ được căn cứ theo từng trường hợp cụ thể và do CAX cấp giấy.

Tin cùng chuyên mục