Hà Nội nêu hàng loạt giải pháp phòng, chống tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo UBND TP Hà Nội, tình hình tham nhũng trên địa bàn thành phố trong năm 2021 vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng.

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021 gửi HĐND TP trước kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XVI.

Trong báo cáo của mình, UBND TP Hà Nội khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng năm 2021 được thành phố xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng.

Hà Nội cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng; thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND TP Hà Nội cho biết, qua công tác kiểm tra nội bộ chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào tại đơn vị có liên quan đến tham nhũng.

Về kết quả xử lý tham nhũng, vi phạm, UBND TP Hà Nội cho biết, trong năm vừa qua, Công an Hà Nội thụ lý 38 vụ, 40 bị can (trong đó: Kỳ trước chuyển sang 27 vụ 29 bị can, khởi tố trong kỳ 9 vụ 7 bị can; phục hồi điều tra: 2 vụ 4 bị can).

Kết quả giải quyết: Tạm đình chỉ 6 vụ 1 bị can; đình chỉ 1 vụ; kết thúc chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 21 vụ 31 bị can; đang điều tra 9 vụ 8 bị can; chuyển Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao 1 vụ.

Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội thụ lý 9 vụ 15 bị can (cũ 2 vụ 3 bị can; mới 7 vụ 12 bị can). Đã giải quyết 7 vụ 10 bị can (truy tố chuyển tòa 7 vụ 10 bị can). Còn đang giải quyết 2 vụ 5 bị can; Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý 26 vụ 91 bị cáo; đã giải quyết 6 vụ 18 bị cáo; đang giải quyết 20 vụ 73 bị cáo.

Ngoài ra, có 2 trường hợp người đứng đầu đã bị xử lý trách nhiệm thuộc UBND xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, nhiệm kỳ 2011-2016.

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội nhận định tình hình tham nhũng trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, mua sắm công…

Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở, trình độ quản lý còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao làm trái quy định, quy trình để vụ lợi.

Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; các cơ quan phòng chống tham nhũng tại một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc đề ra các giải pháp thực hiện phòng chống tham nhũng; chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.

Về nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng năm 2022, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 50-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị; Quy định số 205/QĐ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và các văn bản, quy định có liên quan.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng "xin-cho", tập trung trong các lĩnh vực: đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng…; ban hành quyết định thay thế Quyết định số 58/2013/QĐ-UBND của UBND TP về việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành…