Hà Nội mùa hoa Ban nở…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cứ theo đúng như pháp lệnh về chính tả của nước nhà thì hoa Ban luôn phải viết hoa chữ B. Đơn giản vì Ban là tên người con gái trong truyện cổ tích nói về sự tích loài hoa này. Nhưng chuyện đó thật là hiếm hoi trên tất cả các văn bản Nhà nước cũng như các hư cấu văn học, báo chí đương thời.
Hoa Ban nở rộ ở phố Bắc Sơn luôn là điểm đến của các bạn trẻ Hà Nội

Hoa Ban nở rộ ở phố Bắc Sơn luôn là điểm đến của các bạn trẻ Hà Nội

Đưa bạn Sài Gòn lên vùng núi Tây Bắc chơi, gặp cây hoa Ban trồng trong khách sạn đúng kỳ trổ hoa sau Tết. Bạn thảng thốt trầm trồ, “Cây móng bò quá đẹp!”. Cũng phải thôi. Chẳng những ngôn ngữ hai miền có những biến cải mà ngay cả sự tích cây hoa Ban không phải người miền Bắc nào cũng biết. Và đã không biết thì tất nhiên dẫn đến gọi tên theo những đặc điểm của loài cây.

Móng bò là hình chiếc lá của hoa Ban. Cũng như người dân Hà Nội ngày trước có mấy ai biết rằng cái cây “trắc thối” trên vườn Bách Thảo xưa lại có tên mỹ miều là hoa sưa. Một loài hoa cũng sắp trở thành điểm nhấn quan trọng trên phố phường Hà Nội. Lũ trẻ con ngày trước hay lên đấy nhặt hạt rụng quanh gốc mang vào phố lén ném vào bếp than hiệu giặt là hay chậu than hồng của mấy bà bán ngô nướng. Kết quả bao giờ cũng là người lớn vác roi đuổi chạy cong cờ.

Hoa Ban được trồng ở Hà Nội từ bao giờ chẳng ai biết nữa. Chỉ áng chừng nó được mang từ Tây Bắc về trồng vào khoảng đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước. Lúc ấy chỉ có vài cây trong Công viên Thống Nhất phía nhà thuyền hồ Bảy Mẫu. Vài cây khác được trồng ven hồ Hoàn Kiếm phía đường Hàng Khay. Một hàng hoa Ban trồng ven Hồ Tây cạnh đường Thanh Niên.

Hai hàng hoa Ban trên phố Bắc Sơn trồng muộn hơn khi bắt đầu hình thành con phố này. Không thực sự hợp khí hậu thổ nhưỡng hoặc cũng có thể trình độ canh tác ngày ấy còn thấp kém nên chỉ thi thoảng loài cây này mới lác đác trổ hoa. Không bao giờ nhìn thấy cả một rừng hoa rực sáng thu hút mọi cái nhìn như bây giờ. Nó gần như chẳng được một ai ở Hà Nội quan tâm đến, kể cả các nhiếp ảnh gia.

Thế nhưng vài năm gần đây câu chuyện nghe đã sang chiều đổi khác. Người Hà Nội háo hức mong chờ những ngày giáp Tết Âm lịch và sau đó ít lâu. Những tay máy nghiệp dư chụp bằng điện thoại và cả những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp dường như đều có chuẩn bị trước cho những ngày này. Máy móc, chân cẳng, đèn đóm, xe cộ luôn trong tư thế sẵn sàng. Hoa Ban nở trắng trời trên nhiều con phố. Thật lạ là ngay cả những cây mới trồng trên đường Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ… cũng đua nhau khoe sắc.

Nhà văn Đỗ Phấn

Thế nhưng vài năm gần đây câu chuyện nghe đã sang chiều đổi khác. Người Hà Nội háo hức mong chờ những ngày giáp Tết Âm lịch và sau đó ít lâu. Những tay máy nghiệp dư chụp bằng điện thoại và cả những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp dường như đều có chuẩn bị trước cho những ngày này. Máy móc, chân cẳng, đèn đóm, xe cộ luôn trong tư thế sẵn sàng. Hoa Ban nở trắng trời trên nhiều con phố.

Thật lạ là ngay cả những cây mới trồng trên đường Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ… cũng đua nhau khoe sắc. Nam thanh nữ tú đã đi một nhẽ, ngay cả các cụ bà đỏm dáng cũng chuẩn bị hàng xấp áo dài mang đến những nơi có hoa Ban nở, thay đổi thướt tha làm dáng chụp hình. Mà cũng chưa lâu la gì lắm, mới cữ một chạp năm ngoái còn thướt tha yểu điệu sải bước trên thảm lá vàng rụng kín vỉa hè phố Phan Đình Phùng. Cũng chỉ là để lưu dấu chân mình trên những con đường đặc sắc của Thủ đô mà thôi.

Cây cối trong thành phố hình như cũng có tính thời đại của nó. Hà Nội từng kinh qua nhiều cơn nóng lạnh đỏng đảnh về cây trồng trên phố. Đôi khi chỉ là nghe qua bài hát hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng mà khá nhiều con phố trong thời ấy trồng bổ sung thêm rất nhiều hoa sữa. Đến mức có vài người dị ứng với mùi hoa phải tìm cách chuyển nhà.

Lại một thời cây cọ tây lên ngôi ở dưới chân các ngôi nhà cao tầng mới xây. Trào lưu này không kéo dài bao lâu bởi người ta nhanh chóng nhận ra sự vô duyên của loài cây đuồn đuỗn không bóng mát cũng chẳng có hoa hoét hay mùi thơm gì cả.

Tiếp đến là phong trào “bằng lăng hóa” phố phường diễn ra âm thầm mà quyết liệt. Không chỉ những con phố mới hình thành nơi thành phố mở rộng mà ngay cả trong khu phố cũ cũng được hăng hái trồng thay thế những cây bị đổ. Không còn đâu nét đặc trưng của con phố Thợ Nhuộm xưa một mình sở hữu sắc tím rợp trời tháng 5. Cả thành phố ngoa ngoắt tím làm người Hà Nội muôn phần băn khoăn. Ai cũng biết đô thị là nơi kém bền vững nhất về lòng chung thủy. Nhưng đã đến mức phải đồng loạt nhắc nhở chưa lại là chuyện khác.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nhà văn Đỗ Phấn

Còn khá nhiều những cuộc thí nghiệm cây trồng trong thành phố này. Tất nhiên bây giờ người ta đã bắt đầu ý thức hơn về tác động của nó lên cảnh quan thẩm mỹ và môi trường. Vài cây bàng Đài Loan trên phố Kim Mã đã bắt đầu cho kết quả lá rụng bời bời không quét kịp. Đó là thứ lá chẳng đẹp đẽ gì khi rụng xuống. Nó chỉ làm tắc cống khi có trận mưa vừa vừa. Những hàng cây phong lá đỏ thì hình như đang chứng tỏ rằng mình không hợp thổ nhưỡng. Lá phong đỏ rụng rợp đường còn nằm đâu đó trong giấc mơ mùa thu xa lắm.

Hoa Ban bừng sáng trên vài con phố bây giờ hình như đã là một thành công đáng kể của thẩm mỹ phố phường. Và như thế là đủ cho khát khao của người sống ở nơi này. Chỉ mong nó đừng phát triển đại trà, biến phố phường thành nơi rắc giấy vụn.

Tin đọc nhiều