Hà Nội: Một cung đường ‘nóng”, trên 1.500 xe khách bị xử lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Từ ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến ra đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cung đường vẻn vẹn hơn 300 mét này từ năm 2017 đến nay đã có 1.551 xe khách vi phạm bị lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý.

Có thể thấy những phức tạp hình thành và tồn tại ở tuyến đường này, về mặt chủ quan, là do nhiều kiến nghị, bất cập chưa được điều chỉnh.

Áp lực gần như 24/24h

Gần 1 tiếng đồng hồ quan sát và di chuyển quanh nút Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, ra đường Nguyễn Xuyển, chúng tôi hình dung rõ hơn về hai chữ “áp lực” mà Trung tá Nguyễn Đức Thắng – Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 7 – phòng CSGT CATP Hà Nội chia sẻ.

Áp lực hiện hữu hàng giờ trên đường Nguyễn Xiển (ảnh chụp chiều 29-8)

Áp lực hiện hữu hàng giờ trên đường Nguyễn Xiển (ảnh chụp chiều 29-8)

Cung đường này chỉ là phần rất nhỏ trên toàn tuyến 13 km đường do đội CSGT số 7 đảm trách phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông; xử lý vi phạm cũng như phối hợp giải quyết các vụ tai nạn. Tuy nhiên, ít là vậy nhưng nó hội đủ phức tạp giao thông của đô thị lớn như Hà Nội, có đường vành đai, đường trên cao, đường dẫn ra quốc lộ, và tập trung đủ phương tiện từ thô sơ đến siêu trường, siêu trọng tham gia giao thông.

Những áp lực ấy ngày càng tăng khi thời gian qua, điểm đầu đường vành đai trên cao, đoạn thuộc địa phận quận Hoàng Mai, cơ quan chức năng tiến hành rào chắn để thi công dự án quanh hồ Linh Đàm. “Ùn ứ xảy ra không chỉ khi phương tiện gặp sự cố, mà thường xuyên vào giờ cao điểm. Gần như 24/24h, chúng tôi phải chủ động bố trí lực lượng tuần tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm”, chỉ huy đội CSGT số 7 cho biết.

Một trường hợp vi phạm bị đội CSGT số 7 phát hiện, xử lý

Một trường hợp vi phạm bị đội CSGT số 7 phát hiện, xử lý

Một thực tế liên quan đến câu chuyện “áp lực” mà PV ANTĐ chứng kiến khi tìm đến khu vực này, là nhiều, rất nhiều người dân đứng trên hè, đặc biệt đoạn đầu đường Nguyễn Xiển, để chờ xe khách di chuyển qua, lên xe. Khi xe khách bị đẩy đuổi, xử lý mạnh, những hành khách này sẵn sàng đi bộ lên đường vành đai trên cao, để thực hiện hành trình rời Hà Nội. “Xử lý xe khách còn khả dĩ, đối với người đi bộ vi phạm quy định, việc áp dụng chế tài mất rất nhiều thời gian, và không đủ răn đe”, một cán bộ Công an quận Thanh Xuân chia sẻ.

Đừng để kéo dài “bài toán giải phần ngọn”

Thống kê mà đội CSGT số 7 thông tin với chúng tôi từ năm 2017 đến nay, riêng tại nút Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, và đoạn từ số nhà 40 đến 100 đường Nguyễn Xiển, thực sự…choáng: 1.551 xe khách, xe hợp đồng vi phạm bị phát hiện, xử lý.

Từ đầu năm 2020 đến nay, số trường hợp xe khách bị lập biên bản là 313; và riêng tháng cao điểm từ ngày 29-6 đến ngày 29-7 (sau khi dịch bệnh Covid-19 bớt nóng), đã có 153 xe khách bị phát hiện quả tang vi phạm.

Đã có 1.551 xe khách bị đội CSGT số 7 lập biên bản xử lý vi phạm, từ năm 2017 đến nay

Đã có 1.551 xe khách bị đội CSGT số 7 lập biên bản xử lý vi phạm, từ năm 2017 đến nay

Có thể thấy, các quy trình, thao tác và biện pháp nghiệp vụ đã được lực lượng CSGT phụ trách địa bàn thực hiện tương đối đầy đủ, bài bản. Như làm việc với ban quản lý bến xe Yên Nghĩa để nắm lộ trình các nhà xe, phương tiện qua lại khu vực hàng ngày; tăng cường tuần tra kiểm soát, cắm chốt; sử dụng camera lưu động để “soi” tốc độ của xe khách…

Trong công tác phối hợp, đội CSGT số 7 đã xây dựng kế hoạch với Công an các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, cũng như lực lượng Thanh tra GTVT ở hai địa bàn này.

Vậy nhưng vì sao phức tạp liên quan đến xe khách vẫn tồn tại? Vấn đề đầu tiên ở đây là việc thực hiện cơ chế phối hợp, hay nói cách khác, vấn đề trách nhiệm trong xử lý vi phạm giữa các đơn vị, lực lượng chưa thường xuyên, quyết liệt. Chỉ riêng CSGT chắc chắn không “ôm” đủ cung đường “nóng” này.

Tiếp đến, là những kiến nghị, đề xuất từ nhiều năm nay, chưa được cấp có thẩm quyền quan tâm, giải quyết. Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, tháng 12-2019, CATP Hà Nội đã có văn bản gửi Sở GTVT, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh luồng, tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy tuyến cố định tại bến xe Yên Nghĩa không đi vào các tuyến xuyên tâm Quang Trung – Trần Phú (quận Hà Đông) – Nguyễn Trãi, để hạn chế ùn tắc giao thông.

Văn bản của CATP cũng đề nghị Sở GTVT nghiên cứu tổ chức giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến – Trần Duy Hưng, trong đó ưu tiên phương án phân luồng, phân làn hoặc đường dẫn riêng để nâng cao năng lực thông xe từ Đại lộ Thăng Long đi đường vành đai 3 trên cao, nhằm hạn chế ùn tắc và tránh tình trạng xe khách dừng đón trên đường Khuất Duy Tiến, đoạn gần nút giao trước khi lên đường trên cao. Tuy nhiên đến thời điểm này, những kiến nghị trên chưa được xem xét, giải quyết.

Cũng theo tìm hiểu của PV, trên cung đường này lâu nay tồn tại ít nhất 2 “điểm nóng” xe khách vi phạm, là khu vực trước tòa chung cư số 289A Khuất Duy Tiến, và đoạn từ số nhà 40 đến 100 đường Nguyễn Xiển. Tại đây, từ tháng 3-2017, đội CSGT số 7 đã có văn bản báo cáo Ban chỉ huy phòng CSGT, đề xuất CATP kiến nghị với Sở GTVT không để xe khách của 1 nhà xe có văn phòng trên đường Nguyễn Xiển được phép dừng đỗ, mà phải chuyển luồng tuyến hoạt động từ bến xe Yên Nghĩa di chuyển ra Đại lộ Thăng Long để lên vành đai trên cao. Hơn 3 năm qua, đề xuất này cũng… rơi vào im lặng.

Thời điểm này, đang có những kiến nghị cho lắp camera đầu đường Nguyễn Xiển, đoạn từ số nhà 10 đến 120; khu vực trước số nhà 289 A Khuất Duy Tiến; lối dẫn lên đường vành đai trên cao…Đây là giải pháp công nghệ để “bắt trúng, phạt đúng” phương tiện vi phạm. Nhưng nó sẽ chỉ hiệu quả, khi cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu, triển khai!