Dấu ấn chương trình số 03 của Thành ủy hà nội nhiệm kỳ 2015-2020:

Hà Nội: Môi trường kinh doanh cải thiện rõ nét, dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong 5 năm qua, Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011-2015 và đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp (2018, 2019)…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU

Nhìn lại kết quả triển khai Chương trình số 03-Ctr/TU ngày 28-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về “đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”, một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố đã được cải thiện rõ nét.

5 năm, chỉ số CPI tăng 15 bậc

Báo cáo tổng kết giai đoạn 2016-2020 từ Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội cho thấy, đến nay, 11/12 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà chương trình đặt ra đã hoàn thành, trong đó có 1 chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm, 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Duy nhất 1 chỉ tiêu thành phần của chương trình này dự kiến không đạt là chỉ tiêu về xếp hạng chỉ số PAPI.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 03, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được thành phố xác định là phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Trước hết, thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện về công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội giữ vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc so với năm 2015; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc so với năm 2017. Cũng trong 5 năm qua, Hà Nội thường xuyên định kỳ tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp; tổ chức xúc tiến đầu tư và giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn thông qua các hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” thường niên từ năm 2016 đến nay. Kết quả, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011-2015; đứng đầu cả nước 2 năm liên tiếp (2018, 2019).

Mặt khác, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội được cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm 2018), xếp ở vị trí thứ 9/63, tăng 15 bậc so với năm 2015. Ông Trần Ngọc Nam cho biết thêm, một điểm nhấn đáng chú ý nữa trong thực hiện Chương trình số 03 giai đoạn 2016-2020, đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Kết quả, 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, cách tính mới) bình quân 4 năm 2016-2019 tăng 7,36%, cao hơn trung bình cả nước (6,72%); thu nhập bình quân đầu người của thành phố năm 2020 ước đạt 127,6 triệu đồng, tương đương 5.420 USD/ người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015 và gấp 1,8 lần bình quân cả nước. “Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số, nhưng Hà Nội đang đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước” - ông Trần Ngọc Nam nêu rõ.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI

Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI

Vẫn thiếu những “đột phá lớn”

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình 03 đối với sự phát triển chung của Thủ đô giai đoạn 2016-2020, song theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, chúng ta chưa thể hài lòng bởi vẫn còn không ít hạn chế cần tập trung khắc phục. Nói cách khác, những mục tiêu, nhiệm vụ mà chương trình đề ra không chỉ có ý nghĩa cấp bách trong nhiệm kỳ 2015-2020 mà còn là vấn đề cơ bản, lâu dài của Đảng bộ thành phố giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội dẫn chứng, 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá nhưng nhìn chung chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Điển hình như: ngành dịch vụ tăng trưởng dưới tiềm năng, thấp hơn mức tăng GRDP chung; chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) chưa có sự cải thiện, thậm chí năm 2019 giảm 9 bậc so với năm 2015; kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển mạnh; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của thành phố và giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công còn chậm...

Vì thế, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 tới đây, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh lưu ý, phải thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. “Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, nhất là chỉ số PAPI. Đồng thời, thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường...” - Chủ tịch UBND TP nói.

“Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, nhất là chỉ số PAPI. Đồng thời, thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường...”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh

“Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số, nhưng Hà Nội đang đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước”

Ông Trần Ngọc Nam (Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội)