Hà Nội linh hoạt phương án vừa chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam đang hướng tới việc sống chung, thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Nhưng để vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo của từng địa phương và sự chung tay của người dân.
Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống theo hình thức bán mang về ở Hà Nội đã hoạt động trở lại

Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống theo hình thức bán mang về ở Hà Nội đã hoạt động trở lại

Từ “Zero Covid” đến “thích ứng an toàn”

Từ hôm nay (30-9), Đà Nẵng từng bước mở lại các hoạt động xã hội theo chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, tổ chức dạy và học, chợ truyền thống, tắm biển, cắt tóc, gội đầu, hội thảo, tập huấn... đã được khôi phục với những biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Trước đó, ngày 28-9, Hà Nội đã cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời, các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang, hóa mỹ phẩm cũng được mở cửa trở lại. TP.HCM cũng đã dự thảo về việc từng bước nới lỏng giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế - xã hội. Trong ngày 28-9, nhiều tuyến hẻm trong thành phố đã được gỡ rào chắn và một số chốt chặn “vùng xanh” đã được giải tỏa. Đây là những bước đi cụ thể của các địa phương nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ chuyển từ trạng thái “không có Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Thực tế cho thấy, với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, dịch đã “ngấm” tương đối sâu trong cộng đồng, chúng ta chỉ có thể khống chế dịch bệnh ở mức độ nhất định, việc “làm sạch”.

Covid-19, đưa F0 về “zero” trong thời điểm hiện nay là rất khó.

Trong khi đó, nhu cầu phát triển kinh tế vô cùng quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội cũng như có các nguồn lực cho phòng chống dịch. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8-2021 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch bệnh đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Chính vì thế, Thủ tướng mới đặt ra vấn đề cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này thì phải có biện pháp, bước đi phù hợp để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Chỉ khi có giải pháp phù hợp thì mới có thể yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng, mới tránh được tình trạng “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay.

Trên cơ sở hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm và lộ trình mở cửa của gần 40 nước cũng như thực tiễn và quy định phòng chống dịch tại Việt Nam, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp, Bộ Y tế đang xây dựng lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước. Theo dự thảo, nguy cơ dịch sẽ được phân thành 4 mức độ: Cấp độ 4 là nguy cơ rất cao (tương ứng màu đỏ), cấp độ 3 là nguy cơ cao (màu cam), cấp độ 2 là nguy cơ trung bình (màu vàng) và cấp độ 1 là nguy cơ thấp - trạng thái bình thường mới (màu xanh).

Về mức độ thích ứng an toàn, các tiêu chí bắt buộc gồm: Ít nhất 95% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; Tất cả các trạm y tế xã có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động; Có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Riêng địa phương ở cấp độ 4 phải bảo đảm tối thiểu 3% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch; Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; Người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19.

Biện pháp trọng tâm của Hà Nội

Tất nhiên, hướng dẫn của Bộ Y tế là văn bản khung, còn các địa phương phải căn cứ vào thực tiễn để linh hoạt trong hành động với mục tiêu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời bảo đảm tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế, xã hội. Chẳng hạn, địa phương chưa có ca bệnh sẽ thực hiện khoanh vùng, phong tỏa, truy vết được. Còn với những nơi không thể truy vết được như TP.HCM thì phải giảm số mắc, giảm số bệnh nhân nặng, điều trị sớm, hạn chế quá tải, chống lây lan bằng cách cho cách ly điều trị tại nhà, giảm tử vong…

Mỗi địa phương cùng cần linh hoạt trong phương án để vừa chống dịch vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Chẳng hạn như một số nơi đã thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến”. Cung đường là nơi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc và 2 điểm đến là nơi ở và nơi làm việc của người lao động. Trong đó, nơi ở là nơi người lao động ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt để tái tạo sức lao động; có thể là nơi tập trung hoặc phân tán theo nhóm người lao động hoặc gia đình của người lao động.

Là trung tâm chính trị - kinh tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội đang đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt; chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 3 biện pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân phải thực hiện 5K, tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc là không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.

Thứ ba, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10-2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên. Chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vaccine và hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng và nhóm đối tượng nguy cơ khác để kiểm soát lây lan dịch bệnh.

Cả nước đang hướng tới mục tiêu thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của từng người dân và mỗi tổ chức, doanh nghiệp, để chúng ta sớm vượt qua đại dịch, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.