Hà Nội lập tổ chuyên gia cùng Pháp nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  UBND TP Hà Nội vừa có quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án "Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên" do Chính phủ Pháp tài trợ.
Cầu Long Biên nhìn từ flycam

Cầu Long Biên nhìn từ flycam

Tổ chuyên gia do Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải làm Tổ trưởng; Tham gia tổ công tác có đại diện các sở, ngành liên quan, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội...

Tổ chuyên gia có trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Pháp đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên; xây dựng nội dung dự án "Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên" làm cơ sở để Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội báo cáo UBND thành phố Hà Nội thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.

Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng mà để kết nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Chiếc cầu được xây dựng từ 1898 tới 1902 bởi công ty Daydé & Pillé, và được sử dụng vào năm 1903.

Cầu dài 2290 m qua sông và 896 m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6 m và luồng đi bộ là 0,4 m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.

Đến nay, cầu Long Biên đã xuống cấp và được xếp vào loại cầu yếu nhưng hằng ngày, cầu Long Biên vẫn "cõng" trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có tàu hỏa, xe máy, xe đạp... Trong tháng 5-2022, cây cầu này đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, uy hiếp an toàn giao thông.

Mới đây, lực lượng chức năng đã lập rào chắn mềm ở 2 bên đường dẫn lên cầu Long Biên để ngăn các phương tiện ô tô, xe quá tải, chở hàng cồng kềnh đi vào để phòng ngừa các sự cố...

Cũng liên quan đến cầu Long Biên, thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông - Vận tải đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội.

Trong đó, có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu...