Hà Nội lặng đi trong ngày tiễn biệt

ANTĐ - Cỗ linh xa phủ Quốc kỳ lăn bánh chầm chậm hướng về phía sân bay Nội Bài. Những con phố Hà Nội tiễn Đại tướng về với quê hương, về với đất mẹ trong không khí trầm hùng.

Người dân đến tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sáng 13-10, không khí Hà Nội dường như lặng lẽ hơn. Cả Thủ đô nói lời từ biệt một con người vĩ đại. Con người mà cách đây 59 năm đã dẫn đầu đoàn quân chiến thắng cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió tiến về giải phóng Hà Nội. Ngày ấy cũng là một sớm thu tháng 10 nhưng niềm vui rộn rã. Còn hôm nay, cả Thủ đô lặng trong niềm tôn kính… Suốt chiều dài 40km từ Nhà tang lễ Quốc gia tới Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chật cứng người. Có cảm giác như giờ phút này không một người dân nào còn ở lại trong nhà. Chẳng ai có thể bỏ lỡ cơ hội cuối cùng được tiễn chân Đại tướng.

“Vợ chồng tôi có mặt ở đây từ 5h sáng, cả đêm qua hai chúng tôi đều sốt ruột không thể nào ngủ được. Đại tướng sắp về quê, sẽ chẳng còn dịp nào chào ông được nữa, chính vì thế chúng tôi ra đây từ sớm để chờ đợi được đưa tiễn Người” - ông Nguyễn Văn Tiến, cựu binh Trung đoàn 2, sư đoàn 9 miền Tây Nam Bộ vừa nói, vừa nén tiếng nấc nghẹn ngào. Tâm trạng của ông Tiến là tâm trạng chung của người dân Hà Nội không chỉ trong hôm nay mà còn suốt những ngày qua. Cũng hoà trong dòng người có mặt tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông từ sáng sớm, Đại tá quân y hồi hưu Vũ Hải Vân, dù đã 84 tuổi vẫn tự tay là phẳng bộ quân phục cũ, run run từng bước chân tới đây đứng sẵn trên hè phố đợi linh xa rước Đại tướng qua để ông được thực hiện một mong muốn duy nhất: Chào thủ trưởng lần cuối theo đúng nghi thức quân đội. 

Ông Vân nguyên là Chủ nhiệm khoa Công tác Đảng-Công tác chính trị, Học viện Quân y. Trong những tháng năm còn trong quân ngũ, ông đã được gặp Đại tướng nhiều lần. Hành trang sáng nay của ông là tập ảnh đã ố vàng mà ông được chụp cùng Đại tướng từ hồi còn trẻ. Ông nói giọng nghèn nghẹn phía sau cặp kính nhoè nước mắt: “Tôi đã theo Đại tướng qua hai cuộc chiến, và tôi hiểu trong cả một thế kỷ vừa qua, Đại tướng đã trở thành huyền thoại trong lòng dân. Chính vì thế sự ra đi của ông là một mất mát quá lớn. Vẫn biết quy luật sinh-lão-bệnh-tử, nhưng nếu Đại tướng còn sống vài năm nữa thì ít nhất chúng ta cũng có thêm một chỗ dựa tinh thần”.

Có một điều tình cờ kỳ lạ, trong lúc đứng “chờ thủ trưởng”, một học trò cũ của Đại tá Vân đã nhận ra ông. Ông Lương Đức Chương, nguyên bác sỹ quân y sư đoàn 471, đoàn 559 nhận ra thầy mình từ góc nhỏ phía bên kia đường. “Đã mấy chục năm rồi em mới gặp lại thầy, chắc duyên kỳ ngộ này là nhờ anh linh Đại tướng” - ông Chương mừng rỡ nắm chặt tay vị Đại tá già, người thầy, người đồng chí mà tới hôm nay, khi tất cả các cựu binh tề tựu về Hà Nội tiễn Đại tướng họ mới gặp lại nhau. Ông Chương bảo: “Nhà tôi tận dưới Định Công, nhưng xe rước Đại tướng không đi qua lối đó. Vậy nên hôm nay tôi tới đây từ 6h. Chỉ sợ đến muộn sẽ bị cấm đường thì lỡ mất cơ hội không được tiễn đưa Đại tướng”. Có lẽ sau Bác Hồ thì Đại tướng là người chiếm trọn niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân. Và những dòng nước mắt của nhân dân đã chứng minh tất cả.