Hà Nội kiến nghị sửa đổi Luật Thủ đô, tăng tính khả thi của các cơ chế đặc thù

ANTD.VN - Theo UBND TP Hà Nội, sau 6 năm triển khai Luật Thủ đô, nhiều quy định trong luật vẫn chưa đảm bảo tính khả thi, khó triển khai vào thực tiễn, nhất là còn thiếu các cơ chế đảm bảo cho thành phố trong việc xây dựng chính quyền đô thị…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu báo cáo với đoàn ĐBQH Thành phố

Sáng nay, 18-10, tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIV, đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã báo cáo về kết quả 6 năm thực hiện Luật Thủ đô (được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-11-2012, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, 6 năm qua, thành phố đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, tích cực triển khai thực hiện Luật Thủ đô, nhờ đó nhiều quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Dù vậy, một số quy định của Luật như: mục tiêu hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông đường bộ hiện đại; thực hiện chính sách giãn dân ra ngoại thành… còn mang tính nguyên tắc, định hướng chung, chưa đảm bảo tính khả thi.

Luật Thủ đô đề ra nhiều nhiệm vụ cần phải tập trung nguồn lực để đảm bảo thực hiện trong cùng một thời điểm, nên khó khăn khi tổ chức thi hành. Nhiều vấn đề lịch sử để lại như trường học, bệnh viện, trục đường giao thông, nhà chung cư, biệt thự cũ… chưa đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm.

Mặt khác, phần lớn cơ chế chính sách quy định trong các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của thành phố Hà Nội chưa thực sự tác động nhiều.

Đặc biệt, Luật Thủ đô còn thiếu những quy định nhằm đảm bảo cho Hà Nội trong việc xây dựng chính quyền đô thị, quản lý các đô thị vệ tinh, cơ chế chỉ định thầu đối với một số dự án quan trọng…

Vì thế, ngoài việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Luật Thủ đô, tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH Thành phố, UBND TP Hà Nội đã gửi kiến nghị, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi của các cơ chế đặc thù trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô.

UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô; chủ trương phân cấp, ủy quyền cho thành phố Hà Nội được phép quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Cùng đó, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thí điểm Đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.