Hà Nội kiến nghị cho phép cơ sở giáo dục công lập được liên kết với nước ngoài, cấp song bằng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làm việc với Bộ GD&ĐT, Hà Nội đề xuất cho phép các cơ sở giáo dục công lập được phép liên kết, liên danh, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu một số kiến nghị của Hà Nội tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu một số kiến nghị của Hà Nội tại buổi làm việc

Ngày 8-3, Thường trực Thành uỷ Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về lộ trình cho học sinh trở lại học trực tiếp tại trường và tình hình công tác GD&ĐT của Thủ đô năm 2022, những năm tiếp theo. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cùng Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì.

Báo cáo của TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng trình bày tại hội nghị cho biết, đối với lộ trình cho học sinh quay lại trường học, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã cho học sinh một số cấp học trở lại trường học trực tiếp.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, hiện nay học sinh một số khối lớp thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Tính đến ngày 6-3, cấp tiểu học và khối lớp 6 cấp THCS tiếp tục dạy và học trực tuyến. Cấp THCS (từ lớp 7 - 9), số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 46,07% và còn lại 53,93% học sinh học trực tuyến. Cấp THPT, số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 58,45% và còn lại 41,55% học sinh học trực tuyến…

Tại buổi làm việc, Hà Nội nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ban ngành liên quan, trong đó nhấn mạnh 4 kiến nghị đặc thù với giáo dục Thủ đô như: Cho phép Trường Đại học Thủ đô phát triển các mã ngành đào tạo giáo viên; ban hành văn bản hướng dẫn mô hình quản lý các loại hình trường học liên quan đến một số trường, cơ sở giáo dục đặc thù;

Đặc biệt, cho phép các cơ sở giáo dục công lập được phép liên kết, liên danh, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh tham gia và hoàn thành chương trình được cấp song bằng Việt Nam và bằng quốc tế tại các trường phổ thông Hà Nội có đủ điều kiện (hình thức du học tại chỗ)…

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô; cần có quy chế, quy chuẩn đặc thù đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội để phát triển giáo dục…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Về quy chế hợp tác, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiến nghị, Bộ GD&ĐT cùng Hà Nội nên thành lập một tổ công tác chung, tập trung vào 3 lĩnh vực: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thu hút nguồn lực, phát triển GD&ĐT chất lượng cao, ngang tầm khu vực, thế giới; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất GD&ĐT.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thêm, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên đối với lĩnh vực GD&ĐT và coi phát triển GD&ĐT, đưa học sinh trở lại trường học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã xác định GD&ĐT là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa).

“Chúng tôi yêu cầu phải đưa tư duy phát triển ngành, lĩnh vực vào trong tư duy phát triển chung của thành phố. Các huyện đang phấn đấu lên quận như Đông Anh, Gia Lâm khi xây dựng hạ tầng giáo dục phải đạt chuẩn quốc gia luôn, tránh để sau nay đô thị hóa không còn quỹ đất như thực trạng xảy ra ở các quận nội đô hiện nay” - Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết.

Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cũng cho biết, tới đây, thành phố báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương quy hoạch xây dựng “thành phố trong thành phố”, “thành phố giáo dục, khoa học công nghệ” sẽ lấy hạt nhân là khu trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu vực Xuân Mai…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, Hà Nội là khu vực có chất lượng giáo dục hàng đầu cả nước và có tầm quan trọng đặc biệt, dẫn dắt sự phát triển của hệ thống giáo dục cả nước.

Vì thế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị, Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước, nhất là vấn đề chất lượng trong giáo dục. Ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược để giải quyết từng vấn đề cụ thể trong giáo dục và có giải pháp thực hiện chiến lược phát triển cho từng khối, từng khu vực.

Đối với các kiến nghị của Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị mạnh dạn thí điểm thực hiện một số chính sách đặc thù và cần thiết có thể ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô trong giáo dục.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Hà Nội với nguồn lực, trách nhiệm của mình xem xét đến hệ thống mô hình các trường năng khiếu bên cạnh trường chuyên để phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, ươm mầm các tài năng từ sớm nhất. Ngoài ra, trong sự phát triển đô thị theo hướng thông minh cần tính đến không gian cho việc học tập suốt đời để góp phần nâng cao chất lượng đô thị của Thủ đô.