Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính gỡ vướng 31 cơ chế chính sách về thu-chi, thuế, phí...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kiến nghị 31 vấn đề mà thành phố đang gặp vướng mắc trong lĩnh vực thu chi ngân sách, thuế, phí...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo tại buổi làm việc

Chiều nay, 4-12, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính về công tác tài chính năm 2020; định hướng phối hợp công tác năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đồng chủ trì.

Điểm lại kết quả phối hợp giữa Bộ Tài chính với thành phố Hà Nội những năm qua, tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh tóm lược thành 8 điểm nhấn nổi bật.

Trong đó, nhờ tăng cường công tác điều hành, từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội đều hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước Trung ương giao.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 1.187.619 tỷ đồng, bằng 1,63 lần so với giai đoạn 2011-2015, có tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, chiếm 19% tổng thu ngân sách nhà nước toàn quốc.

Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 ước đạt 383.011 tỷ đồng, bằng 1,37 lần so với giai đoạn 2011-2015; có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7-8%/năm và có tỷ lệ so với GRDP là 8,6%.

Công tác bố trí chi thường xuyên ở mức hợp lý, ưu tiên nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Hà Nội cũng đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán Trung ương giao và trong điều hành ngân sách là 16.000 tỷ đồng để có nguồn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, thực hiện dự toán chi trả nợ.

Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách của thành phố đều thấp hơn tỷ trọng theo dự toán Trung ương giao.

Về định hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, phối hợp với thành phố xử lý 31 khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện thực tế tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Trong đó, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, ban hành quy định về tiêu chí phân bổ riêng cho Thủ đô trong định mức phân bổ giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Thủ đô và văn bản liên quan; ban hành quy định về định mức phân bổ theo dân số thực tế có mặt trên địa bàn, áp dụng cho các đô thị đặc biệt, như Thủ đô Hà Nội và TP HCM.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định quy định quản lý, sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước không phải là nhà ở đang giao các công ty quản lý, kinh doanh…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong công tác tài chính, nhất là năm 2020 vẫn thu ngân sách đạt cao dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách của cả nước.

Ghi nhận những đề xuất của Hà Nội tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị thành phố xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm và phù hợp với định hướng chung của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2021 – 2025.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Cùng đó, tiếp tục có giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác tiềm năng thế mạnh, sức cạnh tranh của thành phố để thu hút thêm vốn đầu tư, tăng thu ngân sách bền vững. Đẩy mạnh phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện chủ động các nguồn lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện thí điểm chính quyền đô thị; tiếp tục đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Hà Nội chủ động phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo đúng kế hoạch. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá trên địa bàn. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, nhất trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, dịch vụ công…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, để kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển có chiều sâu, có thể tăng thêm nguồn thu; gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; thành phố rất cần Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ, hợp tác, hỗ trợ thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thể hiện cụ thể ở 31 kiến nghị mà thành phố nêu ra.

“Ngoài cơ chế về chi, đề nghị Bộ đặc biệt quan tâm tháo gỡ vướng mắc cơ chế, chính sách về thu ngân sách; vướng mắc về giá, thuế, phí để thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ công; hỗ trợ tăng vay vốn ODA; phát hành trái phiếu địa phương để đầu tư cho phát triển...” - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.