Hà Nội kiểm tra tuyển sinh đầu cấp: Yêu cầu thông tin minh bạch

ANTĐ - Năm học mới của Hà Nội chính thức “nóng” lên ngay đầu tháng 7 tới với sự kiện tuyển sinh đầu cấp từ bậc học mầm non đến THCS. Dù là công việc thường niên của ngành giáo dục nhưng sự kiện này được chính các nhà quản lý đánh giá là “nhạy cảm” và “phức tạp”. Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết:

Các trường công lập vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân

- Hiện nay công tác tuyển sinh đầu cấp từ mầm non đến THCS đều đã được phân cấp trách nhiệm cho các quận, huyện, thị xã từ việc lên kế hoạch để tổ chức triển khai tuyển sinh. Đến nay, cả 29 quận, huyện, thị xã đều đã chuẩn bị các phương án tuyển sinh vào ngày 2-7 tới. Tuy nhiên, tuyển sinh đầu cấp vốn khá phức tạp và nhạy cảm nên trong tuần này, công tác kiểm tra sẽ được tiến hành chủ yếu ở 9 quận, huyện có áp lực tuyển sinh cao. Việc kiểm tra nhằm yêu cầu các đơn vị này đảm bảo việc phân tuyến rõ ràng, thông báo cụ thể đến từng cụm dân cư như thế nào. Theo tôi, để giảm bớt áp lực tuyển sinh, điều quan trọng là công tác tuyên truyền cần triển khai sớm và rộng rãi để thông tin minh bạch đến từng gia đình có con đi học.

- Năm ngoái Hà Nội vẫn tái diễn tình trạng xếp hàng xin học cho con từ đêm. Năm nay Hà Nội có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này, thưa bà?

- Việc kiểm tra công tác chuẩn bị của các quận nội thành trước thời điểm chính thức tuyển sinh chính là để rà soát biện pháp hạn chế tình trạng nói trên. Việc tuyển sinh đầu cấp liên quan đến quyền lợi của từng gia đình có con trong độ tuổi đi học. Chỉ cần một vài thông tin chưa rõ ràng sẽ gây ra hiểu nhầm. Ví dụ như thông báo tại các trường học về lịch tuyển sinh từ ngày    2-7, nhưng nếu không ghi rõ giờ bắt đầu là 8h sáng thì rất có thể nhiều phụ huynh sẽ đi xếp hàng từ 1h đêm. 

- Nhưng áp lực tuyển sinh chủ yếu xuất phát từ tình trạng quá tải người học trong khi trường lớp không đủ đáp ứng?

- Với riêng bậc mầm non, hiện Hà Nội là nơi có tỷ lệ trẻ học công lập thuộc loại cao nhất cả nước với 85,5%. Tuy nhiên, các trường công lập vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân vì các trường công lập có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên chất lượng và học phí chênh lệch đáng kể so với khối ngoài công lập. Trong 2 năm nay, Hà Nội đã tích cực đầu tư xây thêm trường lớp với tổng số 75 trường mới xây dựng được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, so với số lượng trẻ tăng vọt tới 38.000 cháu độ tuổi mầm non ra lớp thì số trường lớp xây mới không thể đáp ứng hết.

- Để thu hút người dân vào khối giáo dục ngoài công lập, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề xuất việc hỗ trợ trẻ học ngoài công lập một phần ngân sách thành phố như chi cho học sinh công lập. Vậy chủ trương này được triển khai đến đâu, thưa bà?

- Hiện chúng tôi vẫn đang xin ý kiến thành phố. Tuy nhiên, điều này cũng còn nhiều băn khoăn vì không thể đơn giản hóa chính sách nhà nước. Tôi cũng nêu vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội vừa qua và đã được các đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, khi đã cấp ngân sách hỗ trợ cho học sinh thì phải có cách thức kiểm soát các trường để đảm bảo khoản kinh phí này được chi cho học sinh chứ không phải để chia lợi nhuận cho trường. Các trường cũng phải minh bạch, công khai tài chính để đảm bảo rằng nếu nhận được khoản hỗ trợ này thì học phí cho học sinh sẽ được giảm. Còn nếu chuyển kinh phí về cho gia đình thì cũng khó đảm bảo là mọi gia đình đều cho con đi học sau khi được hưởng khoản hỗ trợ như vậy. Hiện Hà Nội vẫn đang khảo sát để có cơ sở trình thành phố chủ trương này.

Tin cùng chuyên mục