Hà Nội: Kiểm tra, giám sát chặt tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hoá dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 29-12, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, Sở Công Thương Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thông tin về công tác bảo đảm cung cầu hàng hoá, kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020, dịp Tết Nguyên đán 2021.
Cán bộ Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, thu giữ số hàng hóa không có chứng nhận xuất xứ

Cán bộ Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, thu giữ số hàng hóa không có chứng nhận xuất xứ

Nguồn cung hàng hoá Tết dồi dào

Theo bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, tạo điều kiện cho người dân Thủ đô mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị trên địa bàn trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-22% so với kế hoạch Tết 2020.

Đến nay, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP.Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia Chương trình để đưa hàng bình ổn phục vụ nhân dân thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị; 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể, 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.

Sở Công Thương cũng xác định lượng và khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, từ đó đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng và tổ chức kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo phục vụ nhân dân.

Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước trong và sau Tết): gạo 292.500 tấn; thịt lợn 56.700 tấn; thịt gà 18.900 tấn; thịt bò 18.459 tấn; trứng gia cầm 396 triệu quả; rau củ 315.000 tấn; thực phẩm chế biến 18.114 tấn; thủy hải sản 15.750 tấn; trái cây 156.000 tấn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. "Như vậy, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch tết năm 2020” - bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Xử lý vi phạm hơn 133,5 tỷ đồng

Thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, năm 2020, Cục đã kiểm tra hơn 5.700 vụ; xử lý 5.616 vụ với tổng số tiền là hơn 133,5 tỷ đồng.

Trong đợt cao điểm triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường (từ 15/11/2020-15/12/2020) Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 677 vụ với tổng số tiền xử lý là hơn 9,1 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính là hơn 3,9 tỷ đồng; tịch thu hàng hoá vi phạm trị giá hơn 1,4 tỷ đồng; xử lý tiêu huỷ, tái chế/buộc thay đổi mục đích sử dụng hàng hoá vi phạm trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.

Nhận định về tình hình thị trường cuối năm, ông Trần Việt Hùng cho hay, hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hoá phục vụ Tết có nhiều diễn biến sôi động. Mộ số mặt hàng tiêu dùng dự báo có biến động về giá do nhu cầu tiêu dùng tăng cao: thực phẩm tươi sống, đông lạnh (thịt lợn, thịt bò, gia cầm, hải sản các loại); thực phẩm công nghệ; rượu, bia, nước giải khát, bánh , mứt, kẹo…

Thời điểm cuối năm cũng là lúc hoạt động vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (đặc biệt hàng hoá tiêu dùng, quần áo thời trang giả mạo xuất xứ hàng hoá sản xuất tại Việt Nam), hàng hoá không đảm bảo ATTP tiềm ẩn nguy cơ cao.

Lợi dụng tình trạng sôi động cuối năm, các đối tượng thường gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng hoá không đảm bảo chất lượng, vi phạm ATTP.

Dịp này, để đảm bảo cung cầu hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán, Cục Quản lý thị trường Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là đấu tranh, phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng cấm (pháo, thuốc lá), thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thực phẩm công nghệ: rượu, bia, nước giải khát…

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các kho, các điểm tập kết hàng hoá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống, chế biến trên địa bàn được phân công công quản lý...