Hà Nội: Khoảng 40.000 trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc sởi

ANTĐ - Đó là nhận định do ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội đưa ra khi trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ về diễn biến dịch sởi, ngày 11-2. Cũng trong sáng cùng ngày, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã kiểm tra công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Xanh Pôn. 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra việc điều trị cho bệnh nhi sởi tại BV Xanh Pôn

Sáng 11-2, số trẻ vào khám sốt phát ban dạng sởi tại Bệnh viện Xanh Pôn vẫn tiếp tục tăng. Tại khoa Nhi tổng hợp, nơi điều trị những bệnh nhân sởi nặng, tính đến thời điểm này đã tiếp nhận tổng cộng 124 ca sốt phát ban dạng sởi vào điều trị, 80% là bệnh nhi dưới 5 tuổi. Qua tiến hành xét nghiệm với 68 mẫu bệnh phẩm, xác định được 33 ca dương tính với sởi. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp cho biết, 100% ca dương tính với sởi chưa được tiêm   vaccine phòng sởi. Tất cả 124 ca sốt phát ban dạng sởi khi vào viện đều đã xuất hiện biến chứng, trong đó 90% bị viêm phổi.

Tính trên toàn thành phố, đến ngày 11-2 đã ghi nhận tổng cộng 181 ca sốt phát ban nghi sởi. Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngoài 40 mẫu đã được xác định dương tính với sởi từ tuần trước thì hiện nhiều mẫu xét nghiệm mới đang thực hiện tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và sẽ có kết quả trong vài ngày tới. Ước tính, khoảng 50-70% bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi dương tính với sởi. Cũng theo ông Cảm, toàn thành phố hiện có khoảng 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Dựa trên tính toán về lượng trẻ chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ 2 mũi, cộng thêm tỷ lệ 5-10% trẻ em đã tiêm phòng sởi đầy đủ nhưng vẫn có khả năng mắc bệnh, TTYTDP Hà Nội ước tính có khoảng 35.000-40.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn thành phố hiện đang nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh sởi. Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đang cân nhắc việc sẽ tổ chức tiêm vét các mũi vaccine sởi cho những trẻ đã đến tuổi nhưng chưa được tiêm hoặc tiêm phòng chưa đủ mũi trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng những ngày tới phải làm tốt công tác tổ chức tiêm phòng vaccine sởi, chuẩn bị kỹ càng từ khâu khám sàng lọc, bảo quản vaccine lẫn tư vấn, theo dõi sức khỏe sau tiêm. Sau khi kiểm tra công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Xanh Pôn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo trong vài ngày tới, Bệnh viện Xanh Pôn sẽ làm đầu mối tổ chức tập huấn công tác tiếp đón, phân loại và điều trị bệnh nhân sởi cho tất cả các bệnh viện của thành phố, đảm bảo bệnh nhân đều được điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng, tử vong. 

Cũng liên quan đến dịch bệnh này, trả lời phỏng vấn báo chí ngày 11-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết, Bộ đã lên kế hoạch tổ chức tiêm vét vaccine phòng sởi cho tất cả trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm vaccine sởi chưa đủ mũi. Đặc biệt, tại các ổ dịch sởi, địa phương cần căn cứ vào tình hình để tổ chức bao vây và tiêm vaccine phòng sởi ngay trong tháng này. Hiện tại, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố thống kê những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine sởi để triển khai tiêm phòng sởi bổ sung theo lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc vào một ngày riêng. Từ tháng   8-2014 tới đây, ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi, rubella cho tất cả trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Ông Trần Đắc Phu cho biết thêm, ở các tỉnh đồng bằng và thành phố, do tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao nên dịch sởi xuất hiện rải rác, không lo bùng phát thành dịch lớn. Khu vực đáng lo ngại nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc vì giáp với Trung Quốc - là quốc gia đang có dịch sốt phát ban nghi sởi lưu hành. Hơn nữa, vấn đề tiêm phòng ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và giao thông không thuận lợi. Điều tra nhanh các ca bệnh sởi tại tỉnh Yên Bái cho thấy chỉ có khoảng 20% được tiêm vaccine đầy đủ.