Hà Nội “khát” bến xe

ANTĐ - Vận tải hành khách liên tỉnh hàng năm đã vận chuyển hơn 60 triệu lượt khách đến/đi Hà Nội. Lượng khách, phương tiện tăng theo từng năm, nhưng số bến xe lại không tăng, bến cũ quá tải, dồn áp lực ra đường, gây mất trật tự ATGT.
Hà Nội “khát” bến xe ảnh 1
Mỹ Đình là một trong những bến xe đang quá tải. Ảnh: Nguyên Vũ


Chật chội và quá tải

Hà Nội hiện mới chỉ có 6 bến xe chính là Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Mỹ Đình, Nước Ngầm và bến Lương Yên. Song, không ít bến đã trong tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu thực tế về lượng khách đi và đến. “Việc đầu tư phát triển bến xe khách còn chưa được quan tâm. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội mới chỉ có thêm 1 bến xe khách được đưa vào hoạt động (bến Yên Nghĩa)”, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận định.

Theo quy hoạch bến xe của Hà Nội vào năm 2003,  UBND TP dự báo, dân số Hà Nội (cũ) đến năm 2020 là khoảng 4 – 4,5 triệu người, thì tổng diện tích các bến xe liên tỉnh cần là 28ha. Tuy nhiên, dân số TP hiện đã đông gần gấp đôi và diện tích của 6 bến xe kể trên mới đạt 15,9ha (hơn 60% theo quy hoạch cũ). Vì vậy, việc quá tải tại các bến xe hiện nay là khó tránh khỏi.  

Đối với bến xe Mỹ Đình, theo quy hoạch, diện tích là 3,5ha, (lượng xe trung chuyển là 900 lượt/ngày). Nhưng đến nay, mới triển khai bến đạt 1,98ha, trong khi đang có 233 doanh nghiệp hoạt động, số lượng tuyến cố định là 152. Lượng xe xuất bến hàng ngày khoảng 950 lượt, cá biệt, những dịp cao điểm lên tới 1.250 lượt, vượt gần 30%, gây quá tải. Do nhu cầu đi lại của người dân, xung quanh khu vực này đã hình thành “xe dù, bãi cóc”. Bến xe Giáp Bát hiện có 165 doanh nghiệp hoạt động, với 99 tuyến vận tải khách cố định. Số lượng xe xuất bến hàng ngày khoảng 850 lượt/ngày cao điểm lên tới 900 lượt. Khu vực xung quanh bến Giáp Bát, đường Kim Đồng cũng thường rơi vào cảnh ùn tắc, mất trật tự ATGT do lượng khách đến/đi tại bến này đông.

Sẽ thêm nhiều bến xe liên tỉnh

Để giải tỏa áp lực về bến xe lâu dài, UBND TP đã phê duyệt xây dựng thêm 3 bến xe khách tại các cửa ngõ Thủ đô nhằm giảm tải cho các bến xe.  Đó là các bến xe Duyên Thái tại xã Duyên Thái, Thường Tín, với mục tiêu giảm tải cho bến Giáp Bát và Nước Ngầm; bến xe khách Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng) nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, bến xe Phùng cũ và bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) nhằm giảm tải cho bến xe Gia Lâm. Bến xe khách Cổ Bi đã được công bố quy hoạch với diện tích hơn 98.000m2. Dự kiến, bến xe này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015. 

Tuy nhiên, giải quyết bài toán trước mắt, Sở GTVT Hà Nội đã lên kế hoạch sắp xếp lại luồng tuyến các tuyến xe ở các bến. Theo đó, sẽ điều chỉnh hơn 400 tuyến xe khách liên tỉnh tại các bến cho phù hợp theo nguyên tắc sắp xếp như bến phía Bắc phục vụ hành khách đi các tỉnh phía Bắc… Việc điều chuyển bắt đầu được thực hiện từ ngày 20-7-2013.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau 3 tháng thực hiện điều chuyển, sẽ sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục điều chuyển các tuyến để phù hợp với quy hoạch. Các bến xe có trách nhiệm rà soát, sắp xếp lại tần suất, biểu đồ chạy xe, và đặc biệt, tuyến nào hoạt động không hiệu quả có thể giảm lượng xe, cắt “lốt”. Nhằm phục vụ hành khách đi xe, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức 5 tuyến xe buýt nhanh tăng cường chạy thẳng, nối các bến xe, có chở hành lý cho người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian 6 tháng kể từ ngày điều chuyển, đơn vị khai thác bến xe không thu tiền giá dịch vụ xe ra vào bến của các doanh nghiệp có các tuyến vận tải khách liên tỉnh được điều chuyển. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định tại bến mới và đặc biệt, nếu cán bộ nào của Sở GTVT gây khó khăn, ông Nguyễn Quốc Hùng khuyến nghị, doanh nghiệp cứ gọi điện phản ánh, sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Ngoài ra, Sở GTVT kiến nghị TP, cho phép sử dụng lại bãi đỗ Đền Lừ, Hải Bối (Đông Anh) làm nơi tập kết trung chuyển hành khách đi từ phía Nam (QL 1A); phía Đông Bắc (cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài) và kiến nghị TP tiếp tục mở rộng bến xe Mỹ Đình.