Hà Nội giúp Hải Dương tiêu thụ vải thiều

ANTĐ - Không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp tỉnh Hải Dương tiêu thụ vải thiều tại thị trường Hà Nội, doanh nghiệp còn cam kết đưa loại quả này vào tiêu thụ tại một số tỉnh, thành phố phía Nam và xuất khẩu. 
Hà Nội giúp Hải Dương tiêu thụ vải thiều ảnh 1

Hải Dương giới thiệu đặc sản vải thiều với doanh nghiệp Hà Nội

Đưa vải thiều Thanh Hà vào hệ thống siêu thị

Bà Mai Khuê Anh - Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, ngày 19-5 vừa qua, đoàn công tác của Hapro đã đến huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) để ký kết tiêu thụ 2.000 tấn vải thiều - đặc sản của địa phương này. Toàn bộ số vải trên sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối… của Hapro tại Hà Nội. Dự kiến, ngày 12-6 tới, vải thiều Thanh Hà mới vào đợt chín chính vụ, Hapro sẽ thu mua theo thỏa thuận đã ký kết. 

Để tránh tình trạng nông sản được mùa, mất giá hoặc ùn tắc tại các cửa khẩu với Trung Quốc, mùa thu hoạch vải thiều năm nay, tỉnh Hải Dương và doanh nghiệp các địa phương khác đã trao đổi thông tin, có kế hoạch tiêu thụ quả vải từ rất sớm. Theo ông Phan Thống - đại diện Co.opmart, hệ thống bán lẻ này sẽ bao tiêu hơn 1.000 tấn vải thiều của tỉnh Hải Dương, gấp đôi so với năm ngoái. Đồng thời, đặc sản quả vải còn được vận chuyển vào phân phối trong các siêu thị phía Nam. 

Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, địa phương này có gần 11.000ha vải thiều, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà (3.950 ha) và thị xã Chí Linh (4.390ha). Sản lượng năm 2015 đạt khoảng 50.000 tấn. Tuy nhiên, chủ yếu lượng vải thiều của tỉnh vẫn tiêu thụ trong nước và xuất sang Trung Quốc (khoảng 20.000 tấn). Phần lớn việc thu mua nông sản được các thương lái thực hiện, khiến người trồng vải bị ép giá, chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, việc các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội tổ chức phân phối vừa giúp giảm thiệt hại cho bà con nông dân, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Nâng cao giá trị cho quả vải

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) cho rằng, vải ngon, sạch thì mới đủ tiêu chuẩn đưa vào bán trong siêu thị. Tuy nhiên, đến ngày vải chín rộ thì hàng trong siêu thị bán rất chậm. Nguyên nhân do người tiêu dùng quen mua hàng ở chợ truyền thống, chợ cóc với giá rẻ hơn nên vải trong siêu thị ít người mua. Siêu thị muốn cắt giảm chi phí trung gian, trực tiếp mua bán với các hộ trồng vải nhưng lại gặp khó khăn về các giấy tờ chứng nhận đảm bảo chất lượng, giấy chứng nhận an toàn… “Cần phải quảng bá sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn được bán trong siêu thị. Còn như hiện nay, chỗ nào cũng trưng biển vải Thanh Hà, người dân không nhận biết được, siêu thị không cạnh tranh nổi” - đại diện Fivimart nói. 

Cho rằng rất khó phân biệt nguồn gốc, chất lượng vải thiều khi loại quả này được bày bán la liệt, ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long cho rằng, cần phải quảng bá sản phẩm, tạo thương hiệu, dấu hiệu nhận biết riêng. Ông Nguyễn Thái Dũng gợi ý: “Doanh nghiệp, người trồng vải phải đầu tư nhận diện thương hiệu, có thể đóng túi nilon, dán tem nhãn… để người tiêu dùng biết. Giá bán có thể cao hơn nhưng chất lượng và sự đầu tư phải tương ứng. Quả vải phải hướng tới không chỉ thị trường trong nước, mà phải hướng tới xuất khẩu với giá 5-10 USD/kg”.

Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương:
Xây dựng hệ thống thông tin thị trường

Doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn về thông tin, đặc biệt là thông tin thị trường. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục công nghệ thông tin và thương mại điện tử phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu xây dựng hệ thống thông tin thị trường, kết nối với các địa phương, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề… nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường ngoài nước, tận dụng ưu đãi từ các FTA đã ký kết…

Bà Nguyễn Thị Mận - Giám đốc công ty Chế biến 

nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà:Xuất khẩu gặp khó, nên nhờ tham tán thương mại

Mỗi năm, chúng tôi xuất 350 tấn vải và 150 tấn nhãn sang Hàn Quốc, thường đóng thùng 10kg/thùng và bao bì 800g, tổng cộng là 10,8kg. Tuy nhiên, có lần đối tác nói chúng tôi cân thiếu. Chúng tôi đã phải nhờ tham tán thương mại tại Hàn Quốc vào kho hàng của đối tác kiểm tra giúp, thấy họ xé lẻ hàng ra nên khi cân không đủ khối lượng. Nếu gặp khó khăn khi xuất khẩu, các doanh nghiệp nên nhờ tham tán thương mại giải quyết giúp. Bên cạnh đó, để xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp phải đảm bảm chất lượng và giữ chữ tín.