Hà Nội - Đồng bằng sông Cửu Long: Hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn

ANTĐ - Chiều nay (26-5), Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị “Hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc”. 

Hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương trên cả nước, trong đó hợp tác với đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng. Hai bên đã ký 6 biên bản ghi nhớ quan trọng để tiêu thụ sản phẩm làng nghề của Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu, trao đổi 2 chiều giữa Hà Nội và đồng bằng sông cửu Long, đưa hàng hóa đồng bằng sông Cửu Long vào tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Trong lĩnh vực du lịch, Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long cùng tham gia khảo sát, hội chợ, tổ chức tuần lễ du lịch xanh, kết nối tour, tuyến du lịch… hiệu quả. Ngoài ra, Hà Nội cũng tích cực hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long trong hoạt động an sinh xã hội. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Hội nghị này là cơ hội để địa phương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, từ đó đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch chặt chẽ, hiệu quả hơn".

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, những năm gần đây, nhiều sản phẩm thế mạnh của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long như: gạo, hoa quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… đã có mặt tại hệ thống phân phối hiện đại của doanh nghiệp Hà Nội. Đồng thời, nhiều sản phẩm công nghiệp, làng nghề thế mạnh của Hà Nội về may mặc, thực phẩm, cơ khí… đã có mặt tại thị trường các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Các sản phẩm này đều được người dân địa phương ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, hoạt động kết nối cung cầu giữa Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn như: các địa phương có ít doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân nên khi Hà Nội có nhu cầu lớn về hàng hóa, chất lượng đảm bảo, đồng nhất thì địa phương khó đáp ứng; Nhiều loại hàng hóa, nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản, vận chuyển…

Đánh giá hội nghị này là hoạt động thiết thực giúp quảng bá, hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Quốc Việt- Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều tiềm năng phát triển, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước. Vì vậy, việc hợp tác đầu tư giữa đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội sẽ mang lại lợi ích cho các địa phương.