Hà Nội: Đối thoại căng thẳng về điều chỉnh luồng tuyến xe khách

ANTD.VN - Không khí buổi đối thoại chiều 1/3 khá căng thẳng khi đại diện hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều trình bày khó khăn khi phải chuyển về bến Nước Ngầm. Các doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị được quay trở lại bến xe Mỹ Đình hoạt động như trước kia.

Chiều 1-3, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội đã trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp vận tải điều chuyển luồng tuyến dịp trước Tết Nguyên đán 2017.

Tham dự buổi đối thoại có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cùng đại diện hơn 100 doanh nghiệp chạy tuyến Nam Định- Hà Nội (bến Nước Ngầm) và Thái Bình - Hà Nội (bến xe Nước Ngầm). 

Buổi đối thoại về điều chuyển luồng tuyến giữa Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, Sở GTVT và các doanh nghiệp chiều 1/3 khá căng thẳng

Ông Nguyễn Văn Thản, Giám đốc Công ty vận tải Nam Trực, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nam Định thông tin,  như Công ty Nam Trực có 10 đầu xe chạy Nam Định- Hà Nội, trong tháng đầu điều chuyển (tháng 1-2017) doanh nghiệp bị lỗ 235 triệu đồng, tháng thứ hai (tháng 2-2017) thua lỗ 272 triệu đồng. Như vậy, với số lượng 150 xe đang hoạt động trên tuyến Nam Định - Hà Nội bị điều chuyển đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong thời gian qua”, ông Nguyễn Văn Thản cho hay.

Theo Giám đốc Công ty Nam Trực, một trong những nguyên nhân khiến bến xe Nước Ngầm không có khách là vì các doanh nghiệp đã bị điều chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình nhưng số xe dù hoạt động quanh bến Mỹ Đình quá nhiều, nhất là loại xe chở khách trá hình xe hợp đồng Limousine chở khách từ Nam Định về Hà Nội và ngược lại.

Các doanh nghiệp bị điều chuyển luồng tuyến kiến nghị được về bến Mỹ Đình hoạt động

“Doanh nghiệp rất mong muốn Hà Nội xem xét lại việc điều chuyển luồng tuyến cho phù hợp, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, có thể xem xét đến việc ổn định luồng tuyến vận tải như cũ đến năm 2020 khi một số bến mới, quy mô hơn hoàn thiện.

Trong trường hợp vẫn giữ nguyên việc điều chuyển thì cần xem xét có biện pháp cân bằng giữa các phương tiện đang hoạt động tại bến Giáp Bát có cùng tuyến với phương tiện đang hoạt động ở Nước Ngầm vì cùng 1 tuyến nhưng 2 bến xe ở gần nhau. Ngoài ra, cần xử lý triệt để xe dù, bến cóc quanh bến xe Nước Ngầm”, ông Nguyễn Văn Thản kiến nghị. 

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp vận tải, đồng thời cho biết, ngoài các giải pháp đã thực hiện, trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các tuyến vận tải hành khách theo hướng phía Nam, nghiên cứu sắp xếp tất cả các xe của một tỉnh về cùng một bến xe Giáp Bát hoặc Nước Ngầm (cân đối các luồng tuyến phù hợp với khả năng tiếp nhận và công suất bến xe).

Về phương hướng lâu dài, sau khi bến xe Cổ Bi và Thanh Trì hoàn thiện (dự kiến hoàn thành trước 2019), sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp, theo hướng di chuyển toàn bộ bến Gia Lâm về bến Cổ Bi, và khi bến Thanh Trì hoàn thành thì di chuyển toàn bộ bến Giáp Bát về đây.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, bến xe Mỹ Đình trước đây đã quá tải, gây lộn xộn, cò xe hoạt động nhiều gây mất an ninh trật tự. “Lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước để bến xe Mỹ Đình quá tải là do quy hoạch chậm so với tốc độ phát triển của đô thị và thiếu tầm nhìn, đến giờ này chưa có bến xe nào quy mô, tầm cỡ đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp vận tải”, ông Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận.

Trước tình hình bến xe Mỹ Đình lộn xộn, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT và thành phố Hà Nội phải xử lý dứt điểm tình trạng này trước dịp Tết Nguyên đán 2017 để ổn định, phục vụ nhân dân đi lại. Do đó, việc điều chuyển được thực hiện khá nhanh, nhưng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tình hình ùn tắc trên tuyến vành đai 3 trên cao đã giảm đáng kể.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, việc để xe dù, bến cóc cũng như xe hợp đồng trá hình Limousine hoạt động gây khó khăn cho doanh nghiệp bị điều chuyển là lỗi quản lý kém của cơ quan Nhà nước.

Theo đó, tới đây, Bộ GTVT và Hà Nội sẽ thống nhất một số phải pháp: tạm dừng cấp phép xe hợp đồng kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác; siết chặt xe dù bến cóc quanh bến xe Mỹ Đình, đồng thời tăng cường phương tiện kết nối bến xe Mỹ Đình với bến xe Nước Ngầm.

“Thậm chí có thể tổ chức bán vé ở bến xe Mỹ Đình, sau đó sẽ có loại hình xe trung chuyển đặc biệt đưa số khách này về bến Nước Ngầm”, ông Nguyễn Hồng Trường nêu ý kiến. Còn kiến nghị của  các doanh nghiệp quay trở lại bến Mỹ Đình hoạt động như trước đây, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, rất khó vì như vậy sẽ tiếp tục gây lộn xộn ở bến xe Mỹ Đình.

Thay mặt lãnh  đạo UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cảm ơn các doanh nghiệp đã cùng chính quyền Hà Nội hoạt động sản xuất kinh doanh, cảm ơn các doanh nghiệp đã thấy được Hà Nội đang đứng trước tình hình ùn tắc giao thông nghiêm trọng để cùng chia sẻ.

“Ùn tắc giao thông đang là vấn nạn mà thành phố đang tập trung giải quyết. Hà Nội không mong muốn gì hơn là làm sao tất cả đáp ứng được lợi ích của thành phố, của doanh nghiệp và đại bộ phận nhân dân.

Hà Nội không bao giờ mong muốn doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và cũng không bao giờ muốn việc đi lại của nhân dân gặp khó khăn, càng không thể thiếu quyết liệt trong quản lý, không có giải pháp để ùn tắc kéo dài”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ.

Theo lãnh đạo Hà Nội, ngoài các giải pháp Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội thực hiện, hỗ trợ các doanh nghiệp thì Hà Nội cũng đang phối hợp với Bộ GTVT tìm giải pháp cải tạo toàn bộ nút giao Pháp Vân và đường Giải Phóng nhưng vấn đề này cần thời gian không thể một sớm một chiều.

Về trước mắt, ông Nguyễn Thế Hùng giao Sở GTVT và CATP chỉ đạo lực lượng thanh tra GTVT và CSGT phải xử lý toàn bộ xe dù, bến cóc quanh bến Mỹ Đình, kéo dài từ vành đai 3 trên cao tới bến xe Nước Ngầm. Toàn bộ xe dù bị phát hiện sẽ tạm giữ, xử lý nghiêm. Thành phố cũng giao Tổng Công ty vận tải Hà Nội bố trí xe buýt liên kết giữa 2 bến Mỹ Đình và Nước Ngầm, trong đó hành khách được mang hành lý không quá khổ, quá tải giữa 2 bến xe.

Cùng đó, bến xe Nước Ngầm phải nâng cao chất lượng phục vụ. Thành phố giao Sở Tài chính và các ngành rà soát việc thu phí tại bến này theo quy định. Cần tổ chức tốt giao thông xung quanh bến Nước Ngầm để các xe ra vào thuận lợi. “Thành phố sẽ quyết liệt làm đến cùng, không chỉ làm cho xong. Tôi đề nghị các doanh nghiệp giám sát việc này và trực tiếp phản ánh tới thành phố nếu có vấn đề gì không đúng theo tinh thần chỉ đạo”, ông Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố đề nghị các doanh nghiệp vận tải chấp hành theo đúng quy định của pháp luật. Việc khiếu nại, thậm chí tố cáo cần thực hiện đúng theo quy định. 

“Thành phố Hà Nội sẵn sàng tiếp thu và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, sau buổi đối thoại hôm nay (1-3), thành phố sẽ tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, kiểm tra lại tất cả thông tin phản ánh của các doanh nghiệp để cùng Bộ GTVT báo cáo trung thực tới Thủ tướng.

Đề nghị các doanh nghiệp cố gắng khắc phục khó khăn trong giai đoạn đầu, còn kiến nghị quay trở lại bến Mỹ Đình phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với các doanh nghiệp đối thoại tiếp về vấn đề này”, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết.