Hà Nội đi đầu cả nước về xây dựng hệ thống quan trắc môi trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nay, Hà Nội đang vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động, sáu trạm quan trắc nước mặt, một trạm quan trắc nước rác thải, đi đầu cả nước về hệ thống quan trắc môi trường. 

Thêm trạm quan trắc nước và phóng xạ

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT Hà Nội thông tin, thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở TN-MT Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội tăng cường quản lý, quy hoạch về bảo vệ môi trường đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành khác trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố.

Trong đó, nổi bật lên là tăng cường năng lực quan trắc môi trường. “Đến nay, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đang vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động, sáu trạm quan trắc nước mặt, một trạm quan trắc nước rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, một xe quan trắc không khí lưu động”- ông Thái cho hay.

Hà Nội đang sở hữu vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động

Hà Nội đang sở hữu vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động

Ngoài ra, hiện nay, Sở TN-MT đang triển khai dự án đầu tư 15 trạm quan trắc môi trường nước, tích hợp một thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động cố định và sáu trạm quan trắc nước dưới đất; hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố trong năm 2021.

“Năm 2018, Bộ TN-MT Hà Nội đã ghi nhận sự kiện Hà Nội tiếp nhận và vận hành hệ thống quan trắc tự động là một trong mười sự kiện tiêu biểu của Bộ TN-MT. TP Hà Nội đang là đơn vị đi đầu trong cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc môi trường phục vụ nhu cầu theo dõi của người dân và du khách”- lãnh đạo Chi cục BVMT Hà Nội thông tin.

Chuỗi dữ liệu từ hệ thống quan trắc tự động, liên tục cho kết quả một tiếng/lần, là cơ sở để khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe, thay đổi thái độ, hành vi bảo vệ môi trường.

Hà Nội đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ sau mùa vụ từ 1/1/2021

Hà Nội đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ sau mùa vụ từ 1/1/2021

Đặc biệt, Sở TN-MT đã tổng hợp, xử lý chuỗi dữ liệu để tham mưu, xác định 12 nguyên nhân và đề xuất 19 giải pháp khác phục ô nhiễm không khí. Sở đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành hai Chỉ thị về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn TP.

Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ nghiên cứu đưa vào ứng dụng phần mềm mô hình hóa lan truyền ô nhiễm, dự báo ô nhiễm, xác định nguyên nhân ô nhiễm, xây dựng kế hoạch hành động ngắn hạn/trung hạn/dài hạn bảo vệ chất lượng môi trường, chủ động ứng phó sự cố môi trường và biến đổi khí hậu.

Xử lý rác thải bằng đốt phát điện

Triển khai Chỉ thị 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong, tính đến cuối 30/6/2020, Hà Nội còn khoảng gần 15.000 bếp than tổ ong, đã loại bỏ được gần 40.000, giảm gần 73% so với thời điểm đầu năm 2017/

Ông Mai Trọng Thái cho hay, theo kế hoạch của thành phố đến cuối năm 2020 sẽ loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với đặc thù vùng nông thôn, thì cuối năm nay phấn đấu đạt 90%, còn các quận sẽ đạt tỷ lệ 100% không sử dụng bếp than tổ ong trong đun nấu.

“Để có được kết quả này, Chi cục BVMT đã thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của bếp than tổ ong và giới thiệu các giải pháp bếp thân thiện thay thế”- ông Thái nhìn nhận.

Còn về việc chấm dứt đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí vào cuối năm nay, ông Thái cho rằng, khả năng sẽ đạt được. Thời gian qua, Chi cục BVMT đã triển khai mô hình thí điểm “Cánh đồng không rơm rạ” bằng phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học.

Năm 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND TP đã hỗ trợ 10% kinh phí xử lý rơm rạ cho ba huyện gồm Ba Vì, Chương Mỹ và Ứng Hòa.

Thành phố cũng đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm 3/3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó, một cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để là Cảng hàng không quốc tế Nọi Bài. Hai cơ sở còn lại là Bệnh viện Nam Thăng Long và Khu xử lý chất thải Nam Sơn đã hoàn thành xử lý triệt để nhưng chưa được xác nhận hoàn thành do chưa có hướng dẫn thủ tục xác nhận.

Trong thời gian tới, ông Thái cho hay, với chất thải rắn sẽ điều chỉnh quy hoạch xử lý, đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện… Xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn; quy hoạch các điểm trung chuyển rác, không để rác thải tồn đọng gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị.

Đa dạng hóa các hình thức kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, xử lý nước thải làng nghề, hoàn thiện hệ thốn thu gom nước thải khép kín, tách nước thải với nước mưa… Bên cạnh đó, sẽ kiểm soát, giám sát chặt chất lượng nước sạch trước và sau xử lý tại các đơn vị kinh doanh nước sạch trên địa bàn TP…