Hà Nội: Đề xuất tăng mức trần học phí công lập chất lượng cao

ANTD.VN - Với mức đề xuất tăng cao nhất là 10,26%, mức trần học phí công lập chất lượng cao của Hà Nội dự kiến sẽ là 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng vào năm học 2019-2020.

Ngày  24-11, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã góp ý về tờ trình UBND TP của liên Sở GD-ĐT và Sở Tài chính Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của HĐND TP về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, nhu cầu học tập của học sinh mầm non và phổ thông chất lượng cao ngày càng tăng, người dân mong muốn con em mình được học tập, rèn luyện trong một môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, được thụ hưởng các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo dục chất lượng cao. 

Mô hình chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa nguồn lực đầu tư trọng điểm ban đầu của Nhà nước và nguồn xã hội hoá. Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2016-2020 đầu tư xây dựng thêm 20 trường công lập chất lượng cao, tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế.

Hà Nội hướng tới mục tiêu 20 trường công lập chất lượng cao đến năm 2020

Để đạt mục tiêu này, liên Sở đề xuất mức trần học phí và cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Mức trần học phí được điều chỉnh từ năm 2015-2016 đã hết thời gian được áp dụng, do vậy mức trần học phí từ năm 2016-2017 đến năm học 2019-2020 bậc mầm non, tiểu học từ 3.900.000 đồng đến 5.100.000 đồng/học sinh/tháng. Tỷ lệ tăng ở 2 bậc này từ 8,51% đến 10,26%. Bậc trung học tăng từ 4.100.000 lên 5.300.000 đồng/học sinh/tháng. Tỷ lệ % tăng từ 8,16% đến 9,76%.

Trên cơ sở mức trần học phí, hàng năm thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội của địa bàn, cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, kết quả kiểm định và mức hỗ trợ của ngân sách để quyết định mức thu học phí cụ thể.

Đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được nhà nước cấp kinh phí trong 3 năm kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần. Năm đầu tiên cấp kinh phí chi thường xuyên theo định mức như các cơ sở giáo dục công lập cùng cấp học giảng dạy theo chương trình giáo dục đại trà.

Năm thứ 2, thứ 3 cấp kinh phí tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp theo mức lương cơ sở hiện hành cho số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Kết thúc 3 năm, các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.

Tuy nhiên, đại diện UB Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội còn nhiều khoăn trần thu học phí quá cao so với đời sống chung của người dân, đồng thời có khoảng cách lớn với các trường công lập khác. Với gia đình có hai con mà đi học chất lượng cao thì sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, việc đánh đồng các trường công lập chất lượng cao khu vực nội thành và ngoại thành thì không công bằng với người dân. Cần có chính sách ưu đãi mềm với con em nông dân.

Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng giáo dục Thủ đô có chuyển biến về quản lý dạy thêm học thêm, các khoản thu. Việc đi đầu trong giáo dục là nhiệm vụ của Thủ đô. Bà Bùi Thị An cho rằng, mô hình giáo dục chất lượng cao là cần thiết, nâng cao chất lượng dạy và học. Việc đặt ra mức trần là phù hợp vì chỉ có những cơ sở có đủ uy tín, thương hiệu, chất lượng thì mới có thể áp dụng được, phù hợp với xu hướng tự chủ, xã hội hoá. 

Bà Bùi Thị An đề nghị sau khi thí điểm mô hình này 5 năm nên có đánh giá chi tiết cơ sở không đạt chất lượng cao, làm rõ vì sao không đạt được và nếu cần thiết có thể chấm dứt chứ không nên kéo dài. Cần quan tâm tới đội ngũ chất lượng giáo viên, đào tạo như thế nào, quản lý ra sao... Hiệu trưởng cần được giao quyền tự chủ về nhân sự.