Hà Nội đề xuất có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân

ANTĐ - Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 khai mạc sáng 28-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ cho phép các bộ, ban ngành Trung ương phối hợi với TP Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhất trí cao với đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư về kết quả thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách 2015, cũng như báo cáo mục tiêu, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016. Về mục tiêu tăng trưởng GDP 2016, dựa trên tình hình thực tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng dự kiến 7%.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2015 Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. Tổng sản phẩm quốc nội GRDP tăng 9,24% (năm 2014 là 8,8%); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng dưới 1%; đến ngày 26-12, thu ngân sách đạt 148.271 tỷ đồng (bằng 104,6% dự toán); huy động vốn đầu tư cho phát triển đạt, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; chỉ số cải cách hành chính PCI tăng; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả số lượng và vốn; an sinh xã hội được đảm bảo, giải quyết việc làm cho 148.000 lao động; công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới với 53 xã, 1 huyện đạt chuẩn... Bên cạnh đó, Hà Nội đã chủ trì phối hợp tổ chức, bảo vệ thành công các sự kiện chính trị của lớn của Đảng, Nhà nước; giữ vững an ninh trật tự nhờ đó Hà Nội tiếp tục là điểm đến yêu thích của du khách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, còn một số hạn chế cần khắc phục như các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh chưa được tháo gỡ kịp thời; quản lý đô thị tuy có chuyển biến nhưng vẫn để xảy ra các vụ việc gây bức xúc trong dư luận như xây dựng trái phép, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính...

Ùn tắc giao thông hiện nay gây bức xúc xã hôi, rào cản phát triển kinh tế - xã hội

Về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP sẽ tập trung vào những mục tiêu lớn như: đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh... phấn đấu GRDP tăng 8,5-9%; thu ngân sách phấn đấu đạt 169.420 tỷ đồng (tăng 15,6% so với 2015); thực hiện tốt an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế; làm tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn mới; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội... Để hoàn thành các nhiệm vụ đó, TP Hà Nội đã đề ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu với nhiều kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Trước tình hình thực tế là hiện nay bình quân hàng tháng Hà Nội có đăng ký mới từ 18.000-22.000 xe máy, 6.000-8.000 ô tô, dự kiến đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô (chưa kể lượng ô tô các tỉnh về Hà Nội) và khoảng 7 triệu xe máy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc giao thông, giảm bức xúc xã hôi, thúc đẩy phát triển. "Với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay, nếu không có giải pháp mạnh mẽ từ bây giờ chỉ vài năm nữa vấn đề giao thông sẽ rất phức tạp, khó giải quyết", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.

Liên quan đến đời sống những người dân khu vực ngoài đê, Chủ tịch UBND TP đề nghị Chính phủ rà soát quy hoạch thoát lũ, quy hoạch hệ sống đê điều ở sông Hồng và sông Thái Bình để các địa phương quản lý theo quy hoạch và khai thác vùng đất này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng chính phủ, hiện nay ở khu vực ngoài đê ở các quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội) có khoảng 35 vạn người đang sinh sống. Do khu vực đất này thuộc phạm vi quản lý của Luật Đê điều nên không thể xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, y tế để phục vụ người dân. “Đề nghị Chính phủ sớm quan tâm để các địa phương có thể xây dựng các công trình đảm bảo an sinh xã hội phục vụ nhân dân”, Chủ tịch UBND TP kiến nghị.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 khai mạc sáng 28-12 tại Hà Nội. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 28, 29-12.
Trong sáng 28-12, hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Trong sáng nay, bên cạnh việc thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội của năm nay, các thành viên Chính phủ và Lãnh đạo các địa phương cũng sẽ cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.