Hà Nội đề xuất Chính phủ "gỡ khó" để làm đường vành đai 4 và 5

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với TP Hà Nội sáng nay 19-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã kiến nghị đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, thông qua 9 nội dung quan trọng để Thủ đô nhanh chóng kiểm soát dịnh bệnh, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", đảm bảo đời sống nhân dân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc

Hỗ trợ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm

Cụ thể, về định hướng phát triển Thủ đô, Hà Nội đề xuất tiếp tục ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030 sau khi thành phố tiến hành tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TW.

TP đề nghị cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố lên mức 42% (bằng giai đoạn 2011-2016) để đảm bảo mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025;

Hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng, giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng (đã bố trí 5.937 tỷ đồng, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ xem xét, cân đối 15.600 tỷ đồng cho thành phố).

Để đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tạo nguồn lực phát triển lâu dài, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu vốn thực hiện dự án: Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 160.000 tỷ; trong đó, ngân sách bố trí khoảng 50% (gồm ngân sách TW hỗ trợ khoảng 25% tổng mức đầu tư; ngân sách của 3 tỉnh, thành phố khoảng 25% tổng mức đầu tư); phần còn lại của tổng mức đầu tư dự án, áp dụng cơ chế PPP-BOT, bố trí khoảng 50%.

Chính phủ cho phép Hà Nội (đơn vị chủ trì) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh triển khai thực hiện ngay công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), chuẩn bị đầu tư Dự án, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 (tháng 10/2021).

Hà Nội cũng đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô bằng các nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn vốn đối ứng của các địa phương, tập trung đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tính kết nối trên toàn tuyến.

Về các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch Hà Nội nêu, mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố bao gồm 9 tuyến. Trong đó: 3 dự án đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và 5 dự án đường sắt đô thị đang triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư.

Từ đó, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải đầu tư tuyến đường sắt quốc gia song song nhánh phía tây và phía đông tuyến đường Vành đai 4, đồng bộ cùng với đường Vành đai 4 do thành phố Hà Nội thực hiện và bàn giao tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi hiện tại cho thành phố Hà Nội quản lý và khai thác đường sắt đô thị (tuyến số 1).

Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao Bộ Giao thông Vận tải bàn giao không gian 131 vòm cầu đường dẫn và hành lang đường sắt phía Nam Cầu Long Biên (đoạn đường sắt từ cầu Long Biên - Trần Phú) cho thành phố Hà Nội để quản lý (hoặc cùng phối hợp quản lý) và thực hiện dự án phát huy giá trị di sản đô thị.

Đề xuất tăng tỷ lệ đất đô thị

Một vấn đề quan trọng nữa cũng được TP đề xuất với Thủ tướng trong lĩnh vực Quy hoạch. Theo đó, để thực hiện đồng bộ, nâng cao tính khoa học, tính khả thi và thực tiễn khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành, TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận một số giải pháp và tiêu chí cụ thể như: cho phép UBND TP lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được tiến hành song song và lồng ghép, tích hợp với quá trình lập Quy hoạch Thành phố và xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố;

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn thành phố từ 30%-70% lên 40% - 60% làm căn cứ triển khai quá trình nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030;

Đề xuất nghiên cứu bổ sung quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại phía Nam Thủ đô trong quá trình nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không Quốc gia và Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép quyết định chủ trương đầu tư dự án đồng thời với việc công nhận chủ đầu tư dự án đối với trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư phát triển nhà ở có quyền sử dụng đất hợp pháp (không phân biệt đất ở hay đất khác), phù hợp với quy hoạch đất ở được cấp có thẩm quyền phê duyệt...