Hà Nội đề nghị vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết để phòng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với 16 nhiệm vụ rõ ràng cho từng đơn vị.
CATP Hà Nội xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường

CATP Hà Nội xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường

Dừng hội họp không cần thiết...

Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của TP phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn TP.

Cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước

Để tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhanh hơn, hiệu quả hơn, quan tâm tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, tuyên truyền lưu động (như xe tuyên truyền của Công an, của các lực lượng...); phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng...

Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…

Đối với các khu vực đã phong tỏa cần kiểm soát chặt chẽ không cho người dân ra, vào theo đúng tinh thần “nội bất xuất - ngoại bất nhập”. Bên trong khu cách ly: các hộ gia đình phải cách ly giữa nhà với nhà, người dân không được giao lưu.

Các đơn vị cần tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp..., và các đối tượng có nguy cơ (người từ vùng dịch về, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở...) để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.

Tất cả các đơn vị từ TP đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại các phương án phòng chống dịch; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị...chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng.

Các đơn vị được giao tổ chức cách ly tập trung cần rà soát lại cơ sở vật chất nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ người được cách ly; các khu cách ly phải có đủ camera để giám sát, các camera phải hoạt động liên tục, kết nối với hệ thống giám sát do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định. Đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy định về việc tổ chức bàn giao, đưa đón và tiếp nhận người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú theo quy định.

Dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng: Hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.

Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, Karaoke, quán Bar, vũ trường, Game, Internet, các rạp, trung tâm chiếu phim; các cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng tập gym; các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên cho đến khi có chỉ đạo mới của BCĐ TP. Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để định trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 2026.

Các đoàn kiểm tra các cấp của Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch kết hợp với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương.

Ngay trong chiều 5/5, UBND TP Hà Nội đã tiếp tế tạm thời 2000 quả trứng, 100 thùng mì và 50 thùng sữa đặc cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 đang bị phong tỏa
Ngay trong chiều 5/5, UBND TP Hà Nội đã tiếp tế tạm thời 2000 quả trứng, 100 thùng mì và 50 thùng sữa đặc cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 đang bị phong tỏa

Sớm xét xử các vụ đưa người nhập cảnh trái phép

Về các nhiệm vụ cụ thể, đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP giao CATP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, công an xã phường thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở y tế và soát trong thời gian nhanh nhất những trường hợp có liên quan đến ca bệnh và những người đi từ các tỉnh thành khác về Hà Nội theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch. Quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài cư trú trên địa bàn, phát hiện những người nhập cảnh trái phép, đưa vào khu cách ly; xử lý nghiêm những cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực và các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc đưa người, chứa chấp người nhập cảnh trái phép. Đặc biệt sớm đưa ra xét xử những vụ án đưa người nhập cảnh trái phép.

Sở Công Thương rà soát các phương án dự phòng hàng hóa theo phương án phòng chống dịch, tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đảm bảo cung cấp hàng hóa cho nhân dân các khu cách ly.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định; tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng người có công, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở cai nghiện...

Sở Giao thông vận tải chủ động bố trí số lượng phương tiện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi hoạt động kinh doanh vận tải: Sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách 1 ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép, trên xe có nước sát khuẩn tay, hành khách và lái xe đeo khẩu trang.

Cục Quản lý Thị trường Hà Nội tăng cường công tác quản lý thị trường tránh đầu cơ, thổi giá; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, lưu ý các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch; ngăn chặn vận chuyển buôn bán động vật hoang dã.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phối hợp với các đơn vị có liên quan yêu cầu người sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K trong phòng, chống dịch. Bắt buộc người lao động phải khai báo y tế đầy đủ để giúp cơ quan chức năng phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm... xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo hoặc khai báo không trung thực.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo quyết liệt việc truy vết tiếp xúc, quản lý chặt chẽ việc cách ly và sau cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Quản lý tạm vắng, tạm trú, kịp thời phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép về cộng đồng, người về từ vùng dịch không khai báo y tế theo quy định.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, các nơi thường xuyên có hoạt động tập trung đông người (như siêu thị, chợ, nhà ga...) phải có phương án phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu, tự trang bị các phương tiện, vật tư phòng, chống dịch cần thiết…

Tin cùng chuyên mục